Quyết liệt nhưng phải bình tĩnh khi xóa 43 chợ tạm

"Năm 2017, trật tự lòng đường, vỉa hè ở TP đã có chuyển biến; nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn... Tuy nhiên, kết quả đạt được là chưa bền vững, chưa thường xuyên". Sáng 31-3, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đưa ra nhận định trên.

Do đó, trong sáng 31-3 đã diễn ra buổi ký kết giao ước thi đua giữa Thường trực Ban An toàn giao thông TP với lãnh đạo 24 quận, huyện về bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trong năm 2018.

Quang cảnh buổi ký giao ước sáng nay (31-3).

Theo cam kết của 24 quận, huyện, trong năm 2018 sẽ lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở 157 tuyến đường; xóa 43 điểm, chợ tạm, chợ tự phát và chấn chỉnh lập lại trật tự ở 101 tuyến đường.

Đáng chú ý, ở quận 1 sẽ xóa hai khu chợ nổi tiếng là chợ Tôn Thất Đạm và chợ tạm Cô Giang.

Chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1) bắt đầu từ đường Hàm Nghi đến đường Huỳnh Thúc Kháng là một khu chợ bình dân nổi tiếng ở trung tâm TP dù nằm gần "chợ nhà giàu" Bến Thành. Chợ họp dọc theo đoạn đường trên với tên gọi truyền thống là "Chợ Cũ". Chợ Cũ là khu chợ bình dân, phục vụ đời sống không chỉ cho cư dân ở những ngôi nhà thấp tầng trong khu lõi trung tâm TP mà cho cả cư dân ở các tòa cao ốc siêu sang xung quanh...

Chợ tạm Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1) vốn xưa là "vùng ven" của khu chợ đầu mối nổi tiếng chợ Cầu Muối - chợ Cầu Ông Lãnh chạy song song với bến Chương Dương để tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền của Sài Gòn xưa. Khoảng năm 2010, sau khi cầu Ông Lãnh mới xây xong thì người dân buôn bán ở chợ xưa được dời ra kinh doanh chợ đầu mối  Bình Điền hoặc về chợ Tam Bình. Lúc này, chợ rìa Cô Giang mới phình ra thành chợ tạm và "lan tỏa" ra cả các phố Đề Thám...

... và phần đầu đường Cô Bắc - Nguyễn Thái Học cũng nằm trong vùng chợ tạm Cô Giang.

Theo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến, mỗi con đường, góc phố, điểm họp chợ, khu chợ (dù có là chợ tạm) đều gắn với lịch sử, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của TP, của các cư dân xung quanh. Vì vậy khi lập lại trật tự hoặc có phải xóa bỏ dù có quyết liệt thì cũng rất cần sự kiên trì, bình tĩnh, không nóng vội từ cấp xã, phường đến quận, huyện. "Từng phường, quận phải nắm chắc tâm lý từng hộ, từng người dân bị ảnh hưởng, có kế hoạch tuyên truyền, thuyết phục cụ thể để tạo sự đồng thuận nơi người dân. Có vậy thì việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè mới sâu, mới bền vững!" - ông Tuyến nói.

Còn ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng khi thực hiện lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thì người thi hành công vụ, người tham gia cần lắng nghe nguyện vọng của người dân và có văn hóa ứng xử, có thái độ, ý thức, tác phong, ngôn phong chuẩn mực...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm