Tám tỉnh, thành phía Nam kêu bí về giao thông

Là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam, có đóng góp to lớn cho ngân sách trung ương nhưng vùng TP.HCM (gồm tám tỉnh, thành: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và Tiền Giang) chưa được đầu tư một cách tương xứng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đó là nội dung chính được các tỉnh, thành phản ánh tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự thảo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 25-7.

Phải ưu tiên đường sắt

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong việc phát triển vùng đô thị TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dự thảo điều chỉnh quy hoạch vùng chưa đề cập đúng mức về kết nối giao thông, trong đó có đường sắt. Ông Phong nói: “Dự thảo có đề cập đến việc phát triển hệ thống đường sắt nhưng dường như chỉ là thứ yếu. Trong khi chúng tôi thấy rằng để phát triển được kinh tế vùng thì phải ưu tiên hệ thống đường sắt”. Người đứng đầu UBND TP cho biết TP đang cùng các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang nghiên cứu về đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để có cơ sở trình Bộ GTVT. Việc hình thành đường sắt này có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây.

Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa phải được thực hiện bằng đường sắt thì mới thiết thực. Ông Liêm nêu thực tế hiện nay tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn trên địa bàn tỉnh này thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm vì vướng xe container chở hàng. Đây là tuyến đường trọng điểm và hiện nay tất cả hàng hóa vận chuyển từ Bình Phước, Tây Ninh đều phải đi qua tuyến đường này nên gây quá tải. Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương mong Chính phủ phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề giao thông trong liên kết vùng TP.HCM. “Các tỉnh trong vùng TP.HCM đóng góp nguồn ngân sách lớn cho trung ương nhưng hạ tầng giao thông của vùng lại phát triển không tương xứng. Phải coi đây là chương trình trọng điểm để quy hoạch nhanh nhất, sớm nhất” - ông Liêm đề xuất.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để phát triển được kinh tế vùng thì phải ưu tiên hệ thống đường sắt. Ảnh: HTD

Tương tự, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng thông tin tỉnh này có cảng Cái Mép - Thị Vải, một cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất khu vực phía Nam. Ông Tuấn cho biết cảng Cát Lái tới đây sẽ phân về cho cảng Cái Mép - Thị Vải. “Nếu hệ thống giao thông của các tỉnh về cảng còn hạn chế thì không thể khai thác được hết công năng của cảng này. Đây là một sự lãng phí rất lớn và làm cho tính liên kết vùng không chặt chẽ” - ông Tuấn nói.

Đại diện tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch tỉnh này, kiến nghị ngoài việc xây dựng đường sắt, Chính phủ cũng cần sớm cho thực hiện các tuyến đường vành đai của TP.HCM và các tuyến nối ra cảng hàng không, cảng biển thì việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước ra cảng mới thuận lợi.

Tỉnh cùng Chính phủ thực hiện

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, trung ương cần có sự quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng tương xứng với đóng góp của khu vực vào nền kinh tế. Bí thư Nhân đề nghị trung ương cần tiếp tục ưu tiên bố trí đủ nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giao vốn trung hạn cho các dự án, đặc biệt là các dự án kết nối vùng, liên vùng. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách thì quy hoạch cũng phải nêu được những nguồn lực khác như từ các nguồn ODA, FDI, vốn doanh nghiệp và người dân.

“Chính phủ chỉ cần dự toán được tổng mức đầu tư bao nhiêu, vốn ngân sách bao nhiêu, còn lại dự án đi qua tỉnh nào thì tỉnh cùng Chính phủ thực hiện” - Bí thư Thành ủy đề xuất, đồng thời cho rằng cần có cơ chế để xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, bởi nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng quy hoạch tổng thể rất tốt nhưng kế hoạch triển khai thực hiện không tốt.

Vùng TP.HCM gồm tám tỉnh, TP

Theo đồ án quy hoạch điều chỉnh, vùng TP.HCM gồm tám tỉnh, TP là: TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng TP.HCM có vị trí chiến lược trung tâm vùng Đông Nam Á, có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước. Vùng TP.HCM dự báo đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia.

Vùng TP.HCM được phân làm bốn tiểu vùng gồm: Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận với các huyện/TP/thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng. Tiểu vùng khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (Biên Hòa - Nhơn Trạch - Trảng Bom - Long Thành). Tiểu vùng khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa - Nhơn Trạch - Trảng Bom - Long Thành). Tiểu vùng khu vực phía Đông tỉnh Long An (Đức Hòa - Bến Lức - Cần Giuộc).

Đồ án xác định TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.

________________________________

Về vấn đề kết nối hạ tầng giao thông vùng TP.HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM. Theo Phó Thủ tướng, bản quy hoạch điều chỉnh phải làm nổi bật tính chất của vùng TP.HCM là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của quốc gia, có vai trò, vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương. “Đồ án phải làm rõ hơn và nhấn mạnh những công trình hạ tầng trọng điểm để tập trung thực hiện” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm