Tất bật thi công cầu sắt Bình Lợi mới trước ngày thông xe

Dự án cầu sắt Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, bắt đầu thi công từ ngày 26-5-2016, dự kiến hoàn thành ban đầu vào tháng 5-2018, có chiều dài 1,3 km.

Công trình này nằm trong dự án xây cầu Bình Lợi mới và nạo vét 71 km luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT, vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7, cho biết cầu đường sắt Bình Lợi cũ do tĩnh không thông thuyền thấp (khoảng 1,5 m) chỉ đảm bảo cho các tàu nhỏ hơn 300 tấn qua lại. Luồng sông không đảm bảo cho các tàu tải trọng lớn lưu thông qua sông Sài Gòn khu vực TP.HCM - Bình Dương nên các tàu qua lại thường xuyên va chạm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt.

Cầu đường sắt Bình Lợi mới được nâng tĩnh không lên 7 m, tăng năng lực vận tải đường thủy (tàu 1.000 tấn lưu thông).

Về tiến độ dự án, ông Khoát cho biết hiện tại đã đạt khối lượng hơn 95%, các hạng mục cơ bản đã xong.

Theo ghi nhận của PV, các công nhân tại dự án cầu đường sắt Bình Lợi đang tích cực thi công để hoàn thiện công trình đúng tiến độ.

Hiện các công nhân đang tập trung thi công những công đoạn cuối như đường dẫn vào cầu, thực hiện đổ đá dăm sau khi các thanh ray và tà vẹt được lắp đặt xong ở đường dẫn phía quận Bình Thạnh, thi công hành lang dành cho người đi bộ và hoàn thiện hành lang cầu.

 Nhóm công nhân đang rải đá để giữ cố định đoạn đường ray đã được lắp đặt.

Trước đó, dự án này dự kiến hoàn thành vào ngày 30-7 nhưng không kịp do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, khi mọi khó khăn được khắc phục, các công nhân "chạy đua" với thời gian bất kể thứ Bảy, Chủ nhật để thi công các hạng mục còn lại. 

Cầu sắt Bình Lợi mới sẽ không có phần đường cho xe máy chạy như cầu cũ mà chỉ có hành lang cho người đi bộ với chiều rộng 1,5 m. Sau khi cầu sắt mới đưa vào sử dụng, cầu sắt Bình Lợi cũ sẽ tháo bỏ vì lý do an toàn. Tuy nhiên, một số sở, ngành và đông đảo ý kiến người dân đề xuất TP giữ lại để bảo tồn vì giá trị lịch sử của cây cầu. 

Từ đó, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi. Cụ thể, bảo tồn nguyên trạng hai nhịp cầu, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh phía quận Thủ Đức. 

Điều này nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian nước để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm