Tàu Cát Linh chạy thử, dân không được vào xem

Theo đó, khoảng 6 giờ, Tổng thầu EPC Trung Quốc triển khai lập 5 đoàn tàu chạy liên tục dọc trên chính tuyến ở cả hai chiều. Mỗi đoàn tàu chạy cách nhau 10 phút và vận hành qua hệ thống điều khiển tự động.

Sáng nay đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu đã kiểm tra hoạt động vận hành thử của đoàn tàu. Ảnh: VIẾT LONG

Theo ghi nhận, công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị chưa hoàn thành nên việc chạy thử vẫn khép kín. Các nhà ga đóng cửa, không cho người dân vào xem hoặc lên tàu.

Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho biết trong thời gian vừa qua, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án đã tích cực triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

Trong tháng 7-2018, công tác cấp điện và xông điện cho toàn hệ thống đã hoàn thành. Từ tháng 8-2018, Tổng thầu đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị như kiểm tra hệ thống cấp điện, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu…

Đoàn tàu vận hành thử vào ga Yên Nghĩa để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Ảnh: VIẾT LONG

“Đến nay, công tác thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào vận hành thử liên động toàn hệ thống…”, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.

Theo Ban quản lý dự án đường sắt, việc vận hành thử liên động là hoạt động kiểm tra, chạy thử, căn chỉnh liên hoàn giữa các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, AFC, cung cấp điện...

Khu vực nhà ga đã cơ bản hoàn thành nhằm phục vụ cho công tác chạy thử toàn tuyến. Ảnh: VIẾT LONG

Việc vận hành thử liên động sẽ được thực hiện thử theo từng bước, từng nội dung, từng cấp độ theo yêu cầu thiết kế và kế hoạch vận hành thử. Hoạt động này nhằm xác định toàn bộ công trình đã đạt được các thông số kỹ thuật theo thiết kế đảm bảo hoạt động ổn định, tin cậy cũng như các điều kiện liên quan trước khi nghiệm thu toàn bộ công trình.

“Thời gian vận hành thử liên động từ 3 đến 6 tháng (bắt đầu từ 20-9-2018) với mục tiêu Dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết Âm lịch…”.

Tàu Cát Linh - Hà Đông có hai đầu tàu nên không cần quay đầu. Ảnh: VIẾT LONG

Dẫn đầu đoàn kiểm tra trong buổi sáng vận hành thử liên động, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, cho biết hoạt động chạy thử tàu là quy trình tác nghiệp bình thường để căn chỉnh các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, với các tác nghiệp bình thường như khai thác thương mại sau này.

Cùng với quá trình vận hành thử kỹ thuật, theo ông Đông, phía nhà thầu Trung Quốc cũng tiến hành đào tạo và chuyển giao vận hành cho các nhân sự phía Việt Nam (hơn 600 người).

Hiện nay các đoàn tàu sẽ chạy không tải và người dân chưa được phép lên tàu. Ảnh: VIẾT LONG

Được biết, tới nay công tác kiểm định các đoàn tàu đã xong ở trạng thái tĩnh, quá trình vận hành thử sẽ kiểm định thiết bị ở trạng thái hoạt động.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, (52 toa) theo chuẩn B1 (tàu đường sắt đô thị loại nhẹ) do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo.

Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79 m, trong đó toa đầu dài 20 m, toa giữa dài 19,5 m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.

Dự án có chiều dài 13 km, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Sau khi dự án hoàn thành Bộ GTVT sẽ chuyển giao cho TP Hà Nội để khai thác thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm