Tổng thầu chưa đưa hồ sơ để nghiệm thu dự án Cát Linh-Hà Đông

Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác vận hành từ tháng 4-2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trễ hẹn do 1% công việc còn lại chưa hoàn thành.

Cụ thể là hoàn thiện mỹ quan và lắp đặt thiết bị ở một số đơn thể khu Depot. Cùng đó là việc đưa về công trường lắp đặt hoàn chỉnh một số thiết bị còn thiếu hoặc thay thế các thiết bị có sai sót, hư hỏng do vận chuyển trước đây phải khắc phục…

“Chúng tôi đã tích cực đôn đốc Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc (tổng thầu EPC) nhưng tiến độ vẫn rất chậm…” - Ban Quản lý dự án đường sắt nhận định.

Thời gian vừa qua Bộ GTVT nhận được khá nhiều ý kiến cử tri về dự án này. Ảnh: V.LONG

Đơn vị này cũng cho rằng khối lượng công việc còn lại tuy không nhiều nhưng khá phức tạp và mất nhiều thời gian, nhiều nội dung thử nghiệm phải vừa thực hiện vừa căn chỉnh…

Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng ngoài những nguyên nhân trên, Tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu của nhiều hạng mục dự án để phía Việt Nam nghiệm thu. Đây là lý do chính khiến dự án chưa thể khai thác thương mại.

Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng Bộ GTVT nên khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc vì chậm trễ tiến độ dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết đơn vị chưa xem xét việc này vì một phần nguyên dân dẫn đến chậm trễ do công tác giải phóng mặt bằng của Hà Nội. Năm 2014, Tổng thầu Trung Quốc mới tiếp nhận mặt bằng để thi công trong khi đáng lẽ họ phải được bàn giao trước đó vài năm.

Được biết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ GTVT đã thuê tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn độc lập của Pháp) để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.

UBND Hà Nội cũng đã công bố mức giá vé bình quân toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là trên 10.000 đồng với cự ly 5,3 km. Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông gần 14,5 tỉ đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm