TP.HCM: 2 tuyến đường trên cao là cấp thiết

Ông Trần Chí Trung, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Dựa trên Quy hoạch 568 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Sở GTVT đã xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP giai đoạn 2020-2030.

Theo đó, trong 55 dự án được sở đề xuất đầu tư giai đoạn 2021-2025 có hai tuyến đường trên cao được ưu tiên đầu tư.

33.000 tỉ đầu tư hai tuyến đường trên cao

Ông Trần Chí Trung cho biết trong giai đoạn này, Sở GTVT sẽ chú trọng ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng; các trục giao thông xuyên tâm; giao thông cửa ngõ kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ưu tiên với các dự án giao thông công cộng có sức chở lớn như metro…

Trong điều kiện hiện nay, Sở GTVT đã đề xuất ưu tiên làm trước tuyến đường trên cao số 1 và số 5 (trong tổng số năm dự án đường trên cao của TP). Hai dự án này gồm: Tuyến số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài 9,5 km, mức đầu tư khoảng 17.500 tỉ đồng; tuyến số 5 (từ trạm 2 đi theo quốc lộ (QL) 1 đến An Sương) dài 21,5 km, mức đầu tư khoảng 15.500 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư cho hai dự án này khoảng 33.000 tỉ đồng.

Tuyến đường số 1 sẽ đi qua khu vực Trường Chinh - Cộng Hòa, kết nối với tuyến metro số 2. Đồng thời, tuyến này cũng đi qua khu vực Tân Sơn Nhất đến cầu Thủ Thiêm 1. Từ đó sẽ giảm tải giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất và trung tâm TP.

Tương tự, đối với tuyến số 5 xuất phát từ trạm 2 (xa lộ Hà Nội) đi dọc QL 1, kết nối thẳng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Đây là hai dự án rất cần thiết và cấp bách để kết nối với trung tâm TP, giảm tải giao thông cho nhiều khu vực. Vì vậy, Sở GTVT phấn đấu thi công hai dự án này trong giai đoạn 2021-2025” - ông Trung cho hay.

Sơ đồ tuyến đường trên cao số 5 được Sở GTVT đề xuất ưu tiên xây dựng giai đoạn 2021-2025. Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Làm đường trên cao là cấp thiết

Ông Trần Chí Trung cho biết ưu điểm của tuyến đường trên cao là chi phí đầu tư thấp hơn do chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) thấp. Đồng thời, hai dự án này có thể triển khai theo hình thức xã hội hóa để giảm ngân sách TP trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp.

Khi thi công các dự án đường trên cao sẽ rút ngắn được thời gian hoàn thiện, giảm ngay ùn tắc, hạn chế các nút giao, tránh xung đột giao thông…

Điển hình, đối với tuyến số 5, nhiều năm nay tuyến QL1 chưa được mở rộng như kế hoạch được duyệt. Song nếu mở rộng QL1 theo kế hoạch thì chi phí GPMB sẽ rất lớn, thời gian hoàn thiện sẽ kéo dài. Trong khi đó, đường trên cao số 5 kết nối từ đông sang tây sẽ giảm ngay tình trạng kẹt xe, chi phí GPMB thấp.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá giao thông TP thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, song chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP.

Theo ông Cương, Sở GTVT đề xuất xây dựng đường trên cao, đây được coi là phương án buộc phải làm. Bởi chúng ta đang bị gặp khó khăn trong GPMB và nguồn vốn để giải phóng nếu làm đường dưới đất.

Theo Sở GTVT, sau khi UBND TP thông qua đề xuất xây dựng hai tuyến đường trên cao, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu chi tiết chủ trương đầu tư, báo cáo UBND TP để trình HĐND TP thông qua. Sau đó, sở tiến hành duyệt phương án đầu tư và tổ chức đấu thầu. 

“Do đó, việc xây dựng đường trên cao là cấp thiết trong thời điểm hiện nay, bởi đây là những tuyến đường giữ lại sự ổn định cho TP. Chính vì vậy, dù có tốn kém mấy chúng ta cũng phải làm” - ông Cương nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Cương, khi làm hai tuyến đường trên cao, Sở GTVT cần cân nhắc được/mất, trước/sau để đầu tư cho đúng. Cụ thể, sở này cần xem xét các tuyến đường này có phù hợp với quy hoạch mới. Ví dụ, phải xem thêm kế hoạch xây dựng tuyến đường trên cao từ trạm 2 tới An Sương có kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hay không, từ đó có những kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp.

Hiện nay, nhu cầu phát triển giao thông ngày càng lớn mà nguồn vốn của các dự án thì gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc vay vốn ODA, huy động xã hội hóa là cần thiết để sớm triển khai các dự án đường trên cao.

“Ngoài ra, chúng ta cần tính toán việc làm tuyến đường đó sẽ phát triển kinh tế ra sao, bất động sản được hưởng lợi như thế nào. Chúng ta phải tính toán được các nguồn lợi hiện có thì mới có thể huy động hết nguồn lực xung quanh những dự án lớn này” - ông Cương phân tích.

Theo ông Cương, nhìn vào tổng thể giao thông hiện nay, TP cần ưu tiên làm tuyến đường trên cao số 1. Bởi đây là tuyến đường đi qua nội đô TP, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực Tân Sơn Nhất nên vô cùng quan trọng và cần phải đầu tư ngay.

“Việc phát triển, xây dựng một cây cầu hay một dự án lớn thì sẽ tác động tích cực tới người dân và phát triển kinh tế địa phương. Bởi mở ra một dự án là đã khơi thông và tháo được một dòng chảy” - TS Cương nhận định.

970.000 tỉ đồng đầu tư cho giao thông TP.HCM

Theo ông Trần Chí Trung, “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP giai đoạn 2020-2030” đã xác định quan điểm và mục tiêu phát triển.

Cụ thể, Sở GTVT xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP theo hướng hiện đại, có tính kết nối đồng bộ, kết nối các cảng đường thủy, cảng hàng không, khu đô thị mới, khu công nghiệp dịch vụ của TP.

Các dự án có tính tác động lan tỏa và tạo động lực phát triển của TP.HCM với các tỉnh lân cận. Đồng thời, sử dụng nguồn lực ngân sách đầu tư đạt hiệu quả cao, không dàn trải, phù hợp khả năng và nguồn lực.

Đề án dự kiến trong giai đoạn 2020-2030 sẽ cần khoảng 970.000 tỉ đồng đầu tư cho tất cả lĩnh vực giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy, vận tải, giao thông tĩnh… Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách TP dự kiến chiếm 49%; nguồn vốn đầu tư từ xã hội hóa, ODA, vốn trung ương chiếm 51%. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm