TP.HCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành giao thông

Tại chương trình “Cà phê sáng” (18-10) do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, nhiều vấn đề nóng trong ngành giao thông như tình trạng móc túi tại Suối Tiên, kẹt xe nghiêm trọng tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giao thông… đã được các đơn vị báo, đài quan tâm.

Thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Sở GTVT cho biết đang tiến hành thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành giao thông qua năm phương thức sau:

Thứ nhất: Ứng dụng AI trong việc nhận diện tự động phương tiện lưu thông vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; giải pháp quản lý tự động phương tiện đỗ xe trên lòng đường khu vực tuyến đường Lê Lai.

Đồng thời thí điểm giải pháp ứng dụng AI nhận diện và phát hiện tự động các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải dừng đỗ trái phép, đón trả khách không đúng nơi quy định khu vực đường Nguyễn Thái Bình - Phó Đức Chính (quận 1). Thời gian thực hiện thí điểm trong sáu tháng, hiện sở đã xây dựng xong phương án và gửi Sở TT&TT thẩm định.

Thứ hai: Ứng dụng AI trong việc thu thập, phân tích lưu lượng, điều khiển giao thông tự động và phát hiện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở đường Điện Biên Phủ. Nhận diện tự động hành khách sử dụng phương tiện xe buýt (ban đầu 10 xe buýt). Thời gian thí điểm sáu tháng.

Thứ ba: Ứng dụng AI để đo đếm và phân loại phương tiện ở đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ. Xử lý vi phạm tự động tại đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây; thí điểm lắp bộ đèn tín hiệu swarco tại nút Pasteur - Lý Tự Trọng và Pasteur - Lê Thánh Tôn. Thời gian thí điểm bốn tháng.

Thứ tư: Ứng dụng AI để đo đếm, phân loại phương tiện, nhận diện hành khách trên xe buýt với thời gian thí điểm là hai tháng. Hiện sở đang phối hợp với Trung tâm Quản lý đường sông Sài Gòn và trung tâm giao thông công cộng xe buýt để triển khai.

Cuối cùng: Ứng dụng AI để thu thập, nhận diện phương tiện thông qua giải pháp của BOSCH tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con với thời gian tám tháng.

Trao đổi thêm về AI, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Hiện nay ngành GTVT đang thí điểm ứng dụng AI tại khu vực Pasteur, Ba Tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu... để thực hiện chạy làn sóng xanh (các tín hiệu đèn giao thông cùng chuyển màu xanh trên cùng tuyến đường) và tiến tới điều chỉnh giao thông theo lưu lượng thời gian thực, tùy theo dòng xe điều chỉnh đèn.

Theo ông Lâm, cuối năm nay, vùng trung tâm TP sẽ ứng dụng xong AI, tiếp theo sẽ triển khai ở khu vực Bình Thạnh và sân bay để tiến tới áp dụng rộng rãi toàn TP.

Kẹt xe khu vực nút giao Xô Viết Nghệ Tĩnh và Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh). Ảnh: Đ.TRANG

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, tại buổi họp báo.  Ảnh: Đào Trang

Giải pháp giải quyết ùn tắc

Cũng tại buổi “Cà phê sáng” 18-10, nhiều câu hỏi liên quan đến nút giao thông Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ đóng lại khiến tình hình giao thông khu vực luôn rơi vào trạng thái tê liệt. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng, Sở GTVT, cho hay: Từ khi đóng nút giao thông nói trên, tình hình giao thông khu vực những ngày đầu có nhiều sự cố ùn tắc, chủ yếu vào cao điểm sáng, chiều.

Theo Sở GTVT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe là do đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hướng đi quốc lộ 13 là trục đường chính kết nối giữa TP.HCM và Bình Dương. Đặc biệt tuyến đường này và các tuyến đường xung quanh đã trở nên quá tải so với khả năng khai thác. Bên cạnh đó, một số dự án giao thông trọng điểm nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông tại khu vực chưa được triển khai xây dựng như mở rộng đường Ung Văn Khiêm, nút giao khác mức ngã năm Đài liệt sĩ...

Ngoài ra, Bến xe Miền Đông hiện nay cũng gây ảnh hưởng đến tình hình giao thông tại khu vực do có nhiều phương tiện ra vào liên tục. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng mạnh, chưa kể phương tiện ngoại tỉnh lưu thông thường xuyên qua đây.

Theo Sở GTVT, giải pháp xử lý vấn đề ùn tắc khu vực này là đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành Bến xe Miền Đông mới, đưa vào hoạt động để giảm tải cho bến hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nút giao Đài liệt sĩ, mở rộng đường Ung Văn Khiêm, mở rộng quốc lộ 13.

Tương tự, xa lộ Hà Nội cũng được ghi nhận là luôn kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Đặc biệt là khi xe container từ các cảng cạn lưu thông qua xa lộ Hà Nội đã xung đột với dòng xe vốn đã ùn tắc trên tuyến đường này.

Về vấn đề trên, ông Lâm cho biết: Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội hiện gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Dự án này đi qua nhiều quận, huyện và một phần của Bình Dương. Hiện sở đang rà soát lại và làm việc cụ thể với chủ đầu tư, địa phương để xác định lại tiến độ của từng đoạn đang gặp vướng mắc. Từ đó sẽ cùng với nhà đầu tư xây dựng lại tổng mức đầu tư và đánh giá lại phương án tài chính… Sở GTVT đang nỗ lực để trình TP.HCM trong tháng 10 này.

Ban quản lý các công trình giao thông TP cho hay sắp triển khai thi công diện rộng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó sẽ rào đường khu vực cầu Sài Gòn để xử lý làn. Song song đó sẽ triển khai thi công đường ống nước D2000 trên đường Nguyễn Văn Thương. Phía Sở GTVT đã tiến hành điều chỉnh giao thông lại trên đường Ung Văn Khiêm và triển khai lắp đặt thêm camera để theo dõi tình hình giao thông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm