Tuyên truyền rồi xử phạt người vi phạm tốc độ

Sáng nay 23-1, Ban An toàn giao thông TP tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch tuyên truyền kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử lý người lái xe vi phạm quy định về tốc độ. Chiến dịch này nằm trong khuôn khổ dự án do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ với tiêu chí: "Vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu".

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, TP. HCM là một trong 10 nước trên thế giới được Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ với mục tiêu: ngăn chặn sự gia tăng tai nạn giao thông đường bộ. Theo ông Tường, vi phạm tốc độ là một trong bảy nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Theo thượng tá Trần Văn Thương, phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, (PC67- Công an TP) từ năm 2015 đến nay tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ luôn chiếm 10%-11%

Trong chiến dịch này, từ nay đến ngày 10-3 sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người lái xe theo hướng không nên vi phạm tốc độ, xây dựng văn hóa giao thông - văn minh đô thị. Từ ngày 1-2 đến 31-3 các lực lượng chức năng sẽ tập trung vào kiểm tra, xử phạt người lái xe vi phạm tốc độ hoặc vi phạm về nồng độ cồn...

Các khẩu hiệu tuyên truyền trong chiến dịch này là: "Tốc độ 70 km/giờ hậu quả tai nạn tăng gấp hai lần so với tốc độ 50 km/giờ"; " Tính mạng con người là trên hết"; Hãy tuân thủ quy định tốc độ"....

Trong chiến dịch này, ngoài việc đào tạo, tiếp cận kỹ năng, phương pháp cưỡng chế theo kinh nghiệm quốc tế, các lực lượng chức năng còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy bắn tốc độ mới có thể bắn tốt trong điều kiện đêm tối... Trong ảnh, máy bắn tốc độ thế hệ cũ có khả năng ghi hình xe, biển số không nhanh nhạy, chính xác sẽ được thay bằng loại máy mới bắn nhanh, chính xác ngay cả trong điều kiện đêm tối.

Cạnh đó, theo Trung tá Lê Hồng Sơn, điều phối viên của hợp phần cưỡng chế thuộc dự án Bloomberg Philanthropies"Vì An toàn giao thông đường bộ toàn cầu", trong đợt này, CSGT sẽ được bổ sung máy đo nồng độ cồn thế hệ mới và phương pháp đo mới. Theo đó, với máy đo mới, CSGT sẽ thực hiện qua hai bước: giao tiếp thông thường với người lái xe, khi máy nhảy tín hiệu bip thì mới chuyển qua bước hai là đo cụ thể nồng độ cồn trong hơi thở.

Thượng tá Trần Văn Thương (bên trái) nhận cờ lệnh từ ông Nguyễn Ngọc Tường để phất cờ ra quân bắt đầu chiến dịch.

Đúng 9 giờ 30 ngày 23-1, các lực lượng xuất phát bắt đầu chiến dịch kéo dài đến 31-3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm