Vé tự động xe buýt: Phiền khách, mệt bác tài!

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang trình Sở GTVT TP phương án mở rộng bán vé xe buýt bằng máy in vé trực tiếp đặt trên xe buýt (thường gọi bán vé tự động - PV). Ý kiến các chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp, hợp tác xã xe buýt cho rằng đây chỉ là việc nhân rộng cách bán vé nửa thủ công, không phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, gây phiền hà cho hành khách lẫn tài xế.

Người mệt, máy… mỏi

Những ngày qua, được tin cách bán vé tự động sẽ được nhân rộng trên các tuyến xe buýt có trợ giá của TP.HCM, PV Pháp Luật TP.HCMđã thử thực hiện vài chuyến đi xe buýt có bán vé tự động để trải nghiệm.

Tại trạm xe buýt Bến Thành, PV bước lên xe buýt tuyến số 01 Bến Thành - Chợ Lớn. Trên xe buýt, ở vị trí ngang tầm tay phải của tài xế có gắn hộp đựng tiền, hộp số bấm in vé (cho các loại vé 2.000 đồng, 5.000 đồng, vé tập, vé miễn) và máy in vé. Tài xế giải thích cơ chế hoạt động bán vé tự động đơn giản như máy bốc số thứ tự đặt ở các công sở, ngân hàng, bệnh viện... Hành khách làm thao tác bỏ tiền (đúng mệnh giá) vào thùng, bấm nút và cầm vé in ra từ máy.

Tuy nhiên, khi có hành khách lên xe, cô tiếp viên vẫn tay cầm xấp tiền lẻ và tập vé bán cho hành khách theo hình thức cũ. Ở chiều ngược lại, từ Chợ Lớn về Bến Thành, tiếp viên hướng dẫn hành khách bỏ tiền vào thùng nhưng thối lại tiền thừa và đưa vé vẫn là công việc của tiếp viên.

Bác tài nói: “Không có tiếp viên là không thể được vì ít hành khách quen với việc bỏ tiền, bấm nút, lấy vé tự động… Khi khách lên đông thì thế nào cũng phải có tiếp viên. Đường sá thế này tài xế chạy xe đã vất vả quá rồi, giờ lại phải kiêm nhiệm thêm việc đếm tiền, thối tiền dư, bấm nút, xé vé đưa cho khách thì làm sao yên tâm lái xe cho an toàn!”.

Chị Nguyễn Thị Q., tiếp viên, nhận xét: “Không có tiếp viên thì đủ thứ rắc rối, nhất là thất thoát tiền vì có hành khách đưa tiền rách hoặc vé tập của tháng trước. Có khi hành khách là người già, người mang theo nhiều đồ đạc thì cần có người hỗ trợ”.

Hỏi ý kiến vài hành khách đi xe, họ nói việc bán vé tự động có thể để giảm chi phí cho nhà xe nhưng với hành khách thì hơi bị phiền vì phải tự mình bỏ tiền lấy vé; ngoài ra còn bất tiện cho người già, người khuyết tật, người ẵm con hoặc mang nhiều đồ đạc.

PV thử đi tuyến Gò Vấp, tuyến này áp dụng bán vé tự động và không có tiếp viên hỗ trợ. Có hành khách đã quen, chuẩn bị trước tiền lẻ đến bỏ tiền vào hộp, tài xế bấm nút hộp số để máy in vé cho khách. Cũng có khách đưa tiền chẵn thì lúc này tài xế phải vừa lái xe vừa lo thối tiền.

41 tỉ đồng là số tiền ngân sách TP phải chi nếu lắp máy in vé tự động cho khoảng 2.500 xe buýt có trợ giá, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng. 

Tài xế Võ Văn vừa lái vừa than thở: “Có cái máy này, cánh tài xế cực hơn vì phải làm cùng lúc nhiều việc từ lái xe đến thối tiền, xé vé. Một mình một xe, làm tất cả công việc của hai người nên chúng tôi mệt mỏi lắm trong khi lương chẳng thêm được bao nhiêu”.

 Hành khách vừa lên xe bỏ tiền vào hộp phía sau tài xế. Ảnh: LƯU ĐỨC

 Tài xế bấm nút “hộp số” định dạng khách đi loại vé 2.000 đồng, 5.000 đồng, vé tập hay vé miễn để in vé cho khách. Ảnh: LƯU ĐỨC

 Tài xế vừa phải lái xe, vừa quay lại thối tiền dư cho khách. Ảnh: LƯU ĐỨC

Lợi cũng có, bất lợi cũng nhiều

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và Saigon Bus (đơn vị có nhiều tuyến xe buýt áp dụng bán vé tự động), việc bán vé tự động trên xe tránh được tình trạng thất thoát vé, tiền. Ngoài ra, thống kê được tức thời lượng hành khách đi xe ở từng thời điểm, từng trạm nên giúp trung tâm xây dựng biểu đồ, có kế hoạch điều xe phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của hành khách.

Tuy nhiên, việc bán vé tự động vẫn có hàng loạt bất lợi như khi máy bán vé trên xe không kết nối được với mạng của máy chủ thì coi như… thua, doanh nghiệp phải trở lại bán vé thủ công. Nhưng bất cập nhất là máy bán vé không nhận dạng được loại tiền, mệnh giá, dạng khách (học sinh và sinh viên, người già, thương binh, người khuyết tật… có mức giá khác nhau - PV) nên vẫn cần đến tài xế hoặc tiếp viên giao tiếp trực tiếp để xé vé.

Theo các chuyên gia giao thông, sau gần 10 năm áp dụng, bán vé tự động vẫn chỉ là hình thức bán thủ công, vẫn cần đến thao tác của con người và trên hết bản chất của nó vẫn là dùng tiền mặt. Đã đến lúc nên chuyển dần hình thức bán vé này sang dùng thẻ quẹt thông minh (smart card) mà các nước đang áp dụng và TP.HCM đang hướng tới.

Bất cập khi loa báo trạm hư

Là hành khách thân thuộc, nhiều năm đi xe buýt nên tôi thấy chưa hài lòng với việc bán vé tự động, không có tiếp viên.

Một lần đi xe trên tuyến không có tiếp viên, tài xế sau khi xé vé cho tôi đã thông báo loa báo trạm đang bị hư nên bà con xuống nơi nào thì báo cho bác biết trước. Nhưng đường thì dài, kẹt xe liên tục, bác tài quá vất vả nên quên luôn lời dặn của tôi là sẽ xuống ngã tư Bảy Hiền. Cứ thế xe chạy một mạch tới Bến Thành. Khi xe dừng, bác tài gần như gục trên vô lăng.

Chị NGUYỄN THỊ MẬN, quận Tân Phú

10 năm rồi vẫn còn lạc hậu

Trên những chuyến xe buýt dù có máy bán vé nhưng khi khách đông thì tiếp viên vẫn phải trực tiếp bán vé. Và khi đó tôi đã chứng kiến có hành khách không mua vé, có hành khách xé vé tập đã quá hạn hoặc đưa ra những tờ tiền rách hoặc tờ tiền có mệnh giá quá lớn nhằm gây khó dễ cho tiếp viên…

Với máy bán vé tự động, tôi nhiều lần hỏi sao máy không cài đặt phần mềm đọc các loại tờ tiền có mệnh giá khác nhau và có phần cơ thối tiền tự động. Đã gần 10 năm rồi mà công việc nhận dạng khách (khách đi vé nửa chặng, toàn tuyến, khách đi vé tập hoặc phiếu miễn…), thối tiền vẫn do tài xế đảm trách.

Anh NGUYỄN THÀNH, quận Thủ Đức

Cân nhắc mở rộng bán vé tự động

Từ năm 2009, trên hàng loạt tuyến xe buýt có trợ giá ở TP đã triển khai việc bán vé tự động. Theo dự kiến, đến tháng 6-2018, tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã có tuyến xe buýt có trợ giá còn lại sẽ áp dụng hình thức này. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện phương án mở rộng này được Sở xem xét kỹ lưỡng vì có nên coi đây là bước chuyển tiếp trước khi chuyển qua sử dụng smart card có tích hợp dùng chung với đi tuyến metro số 1 (sẽ khai thác vào năm 2020).

“Sở GTVT sẽ cân nhắc kỹ vì khi có tuyến metro số 1 rồi thì việc bán vé tự động trên xe buýt có còn phù hợp không. Việc chỉ dùng bán vé tự động trên diện rộng trong 1 -2 năm có gây lãng phí không…” - ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm