Vì sao 10 năm chưa xong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội?

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để giảm ùn tắc giao thông. Dự án này được khởi công năm 2010, đáng lý sẽ được hoàn thành sau ba năm khởi công. Tuy nhiên, dự án này vẫn kéo dài đến nay mà chưa biết khi nào mới về đích.

Điểm nghẽn kẹt xe

Theo ghi nhận của PV, khu vực cầu Rạch Chiếc phía quận 9 là một đoạn đường nằm trong dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, đoạn đường dài khoảng 1 km luôn trong tình trạng ùn tắc. Vào giờ cao điểm, người dân phải leo lề, chạy cả lên thảm cỏ hoặc chui dưới dạ cầu để di chuyển. Để tránh cảnh kẹt xe, nhiều ô tô, xe máy còn chạy vào đường Nam Hòa khiến cả đoạn đường này cũng rơi vào tình trạng kẹt cứng.

Bên cạnh đó, tại khu vực này xe container từ các cảng lưu thông ra xa lộ Hà Nội thường xuyên xung đột với dòng xe đang bị chôn chân khiến giao thông càng thêm ùn tắc kéo dài. Vào giờ cao điểm, các phương tiện phải xếp hàng dài từ ngã tư MK đến đại lộ Mai Chí Thọ, ở hướng ngược lại kéo dài hơn 2 km, qua ngã tư Thủ Đức.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết xa lộ Hà Nội được ghi nhận luôn kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Đặc biệt là khi xe container từ các cảng lưu thông qua xa lộ Hà Nội đã xung đột với dòng xe vốn đã ùn tắc trên tuyến đường này. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội với mục tiêu giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông ở đây đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Do dự án đi qua nhiều quận, huyện và một phần của Bình Dương nên sở đang rà soát và làm việc cụ thể với chủ đầu tư, địa phương để xác định lại tiến độ của từng đoạn đang gặp vướng mắc. Từ đó sẽ cùng với nhà đầu tư xây dựng lại tổng mức đầu tư và đánh giá lại phương án tài chính. Sở đang nỗ lực để trình TP trong tháng 10-2019 này.

Theo Sở GTVT, cảng Trường Thọ cũng là một phần nguyên nhân gây kẹt xe tại điểm này. Hiện cảng này đã vượt sản lượng quy hoạch khai thác, thống kê trung bình có 1.500-2.450 xe/ngày đêm ra vào. Để giải quyết tình trạng kẹt xe, quá tải tại cảng Trường Thọ, năm 2015 Bộ GTVT và Thủ tướng đã thống nhất đề nghị của UBND TP triển khai dự án xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 để di dời khu cảng Trường Thọ. Dự kiến khi hoàn thành cụm cảng trung chuyển - ICD mới sẽ di dời các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong nội đô.

Nguy hiểm rình rập khi xe container và xe máy chạy hỗn độn tại ngã tư MK. Ảnh:  ĐÀO TRANG

Dự án chồng dự án

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Ban điều hành dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cho biết hiện khối lượng toàn công trình đã đạt được 75%. Riêng địa bàn TP.HCM đạt hơn 90%, chỉ còn phần Bình Dương còn vướng nhiều. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là công tác GPMB.

Ông Nam cũng cho biết phần đường chính xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến ĐH Quốc gia đã xong và đưa vào khai thác mấy năm nay, chỉ còn đường song hành chưa hoàn thành. Theo đó, phía TP.HCM thì đường song hành phía bên trái, quận 2 và Thủ Đức bàn giao mặt bằng xong nhưng vấn đề là phải phối hợp với một số dự án khác. “Như dự án vệ sinh môi trường nước thì cống nước thải nằm sâu dưới lòng đường, phải để dự án này triển khai trước. Nếu mình làm trước rồi sau này họ lại đào lên làm nữa thì lãng phí. Còn phần đường sắt chờ phối hợp để triển khai đồng bộ. Phía quận 9 hiện chỉ còn vướng 800 m, 29 hộ dân và một tổ chức” - ông Nam cho biết.

Mặt khác, mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 2,2 km vẫn chưa được bàn giao và hiện công tác này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM. “Chúng tôi đã có báo cáo lên UBND TP, nếu có mặt bằng sạch thì phần TP.HCM chỉ trong sáu tháng kể từ lúc bàn giao mặt bằng là chúng tôi làm xong, phần Bình Dương là 12 tháng” - ông Nam nói.

Còn theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, năm 2016, TP ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung dự án đầu tư xây dựng mở rộng xa lộ Hà Nội và QL 1 (dự án BOT, thời hạn thực hiện 2008-2017). Trong đó bổ sung 1.410 tỉ đồng GPMB xa lộ Hà Nội đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) tiếp tục ứng tiền cho Khu quản lý giao thông đô thị số 2 để thực hiện công tác bồi thường GPMB giai đoạn hai (201 trường hợp, 24,5 ha).

Trao đổi với PV, đại diện Ban GPMB quận 9, nơi duy nhất ở TP chưa giải quyết xong vấn đề bàn giao mặt bằng, cho biết khó khăn để bàn giao đất cho dự án xa lộ Hà Nội đã gần hoàn tất. Hiện tất cả hộ dân đã giao mặt bằng lại cho quận, duy nhất một công ty chưa bàn giao. UBND quận đang xin ý kiến để thực hiện cưỡng chế và bàn giao đất trong năm 2019 này.

Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài 15,7 km với 16 làn xe thay thế cho tám làn xe hiện hữu, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư theo hợp đồng BOT.

Dự án có tổng mức đầu tư được UBND TP phê duyệt năm 2009 là 2.287,8 tỉ đồng. Sau đó, năm 2016 UBND TP điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 4.905 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm