Vinasun đã tháo khẩu hiệu phản đối Grab, Uber

“Sau sự việc nhiều xe taxi Vinasun dán decal phản đối Grab, Uber gây sự chú ý của dư luận vào cuối tuần tại TP.HCM, hãng đã yêu cầu các tổ, đội quản lý taxi triệu hồi các tài xế để tháo gỡ ngay các khẩu hiệu trên”.

Ngày 9-10, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Vinasun, cho biết như trên.

Cũng theo ông Hỷ, riêng với các xe taxi đang đưa khách đi các tỉnh, trễ nhất là đến 7 giờ ngày 11-10 buộc tháo gỡ các khẩu hiệu. Đối với các trường hợp tài xế không chịu gỡ decal, công ty sẽ mời về trụ sở làm việc, xử lý.

Cạnh tranh không lành mạnh?

Cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, người phát ngôn của Bộ Công Thương, cho biết Bộ đã nắm được thông tin nhiều hãng taxi ở TP.HCM và Hà Nội như Vinasun, Sao Hà Nội có dán khẩu hiệu phía sau xe như: “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc trên. Đặc biệt Cục sẽ kiểm tra có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) hay không.

Theo ông Hải, Luật Cạnh tranh cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó cấm hành vi gièm pha DN khác. Cụ thể, Điều 43 luật này quy định: “Cấm DN gièm pha DN khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của DN đó”.

Còn theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, việc dán khẩu hiệu của các taxi Vinasun là không nên, vì thế cơ quan này đã đề nghị tháo khẩu hiệu dán trên các xe này. Sở đã làm việc với lãnh đạo Vinasun và hãng này cam kết, khẳng định với Sở là công ty không có chủ trương đó mà do các tài xế tự ý dán khẩu hiệu.

Nhiều tài xế Vinasun nhìn nhận khẩu hiệu đang phản tác dụng, gỡ bỏ càng sớm càng bớt mang tiếng xấu là cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh: HỒNG TRÂM

Thời gian qua Sở GTVT TP.HCM cũng đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP.HCM thí điểm xe hợp đồng dưới chín chỗ ứng dụng công nghệ điện tử phục vụ hành khách đã phát sinh những bất cập trong cạnh tranh với taxi truyền thống. 

Sở cũng đã ghi nhận và đề xuất trình UBND TP.HCM có ý kiến phản hồi với Bộ GTVT. Thực tế trong thời gian thực hiện thí điểm xe hợp đồng dưới chín chỗ đã có những phát sinh cần xem xét, xử lý. Vì vậy trong lúc chờ đợi Bộ GTVT tổng kết thí điểm, các hãng taxi cần tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đổ hết cho tài xế là không đúng

Theo ghi nhận của PV, đến chiều 9-10, nhiều tài xế kêu gọi bỏ khẩu hiệu đã dán trước đó. Nhiều người gỡ bỏ và chụp ảnh đăng lên các trang cá nhân, kêu gọi các tài xế đồng nghiệp cùng làm theo.

Anh Nguyễn Minh (ngụ quận 5, tài xế Vinasun) cho biết lý do gỡ bỏ khẩu hiệu này vì việc làm và cả nội dung khẩu hiệu gây ra nhiều dư luận trái chiều ngay trong ngày đầu tiên dán lên. Do vậy, anh Hiếu quyết định gỡ khẩu hiệu và kêu gọi đồng nghiệp cùng làm theo.

Các tài xế khác cũng nhìn nhận khẩu hiệu đang phản tác dụng, gỡ bỏ càng sớm thì hãng và chính họ càng bớt mang tiếng xấu là cạnh tranh không lành mạnh. Họ lo ngại chuyện phản tác dụng của chính những khẩu hiệu khiến khách hàng tẩy chay, làm mất hình ảnh mà taxi đang nỗ lực cải thiện. Trước thực trạng một số luồng ý kiến trên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay taxi có hành động xấu, vi phạm pháp luật, số tài xế này lo ngại có thể ảnh hưởng đến thu nhập hằng ngày.

Đặc biệt, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc vì lãnh đạo công ty trả lời với báo chí rằng đây là hành động tự phát của tài xế.

Tài xế Phạm MV (ngụ quận Tân Bình) cho hay: “Phát biểu của ông Hỷ trên báo chí là không đúng sự thật, đổ toàn bộ trách nhiệm lên tài xế. Tài xế chúng tôi không hề tự ý làm việc này mà là làm theo chỉ đạo của công ty. Lúc chúng tôi nhận xe thì trên xe đã có dán sẵn decal như vậy rồi. Chúng tôi là tài xế, chúng tôi không có nhiều thời gian rảnh để ngồi suy nghĩ câu chữ rồi đi in đẹp đẽ, nổi bật mà dán lên xe như vậy. Mặt khác, nếu là hành động tự phát thì không thể làm được trên diện rộng như vậy. Lãnh đạo công ty chủ trương bắt tài xế làm rồi đổ trách nhiệm cho tài xế là không công bằng”.

Cần làm rõ chủ trương là của Vinasun hay cá nhân tài xế

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo của Tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) cho biết: “Theo tôi, cần phải làm rõ việc dán khẩu hiệu phía sau xe là chủ trương của lãnh đạo hãng taxi Vinasun hay là hành động tự phát của các tài xế.

Bởi nếu lãnh đạo taxi Vinasun chủ trương chỉ đạo tài xế dán khẩu hiệu thì lúc đó các hãng Uber và Grab có thể khiếu nại tới Cục Quản lý cạnh tranh.

Còn nếu đây chỉ là hành động mang tính chất cá nhân, bột phát của các tài xế taxi Vinasun thì Uber và Grab chỉ có thể khởi kiện các tài xế ra tòa bằng một vụ án dân sự.

Tòa sẽ xem xét, đánh giá việc dán khẩu hiệu như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao. Từ đó tòa sẽ ra phán quyết như buộc các tài xế phải chấm dứt hành vi trên, gỡ tất cả băng rôn xuống, ngoài ra tòa còn có thể buộc phải bồi thường thiệt hại…

Cạnh đó, nếu hai hãng Uber và Grab có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và có đóng thuế đầy đủ thì họ có quyền kinh doanh bình thường. Các hãng truyền thống cũng nên xem lại cách hoạt động của mình vì sao lại không hiệu quả bằng như các hãng ứng dụng công nghệ…”.

NGÂN NGA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm