Xe buýt nhiên liệu sạch có nguy cơ... đứt gánh!

Theo kế hoạch đã được UBND TP.HCM duyệt, dự kiến đến cuối năm 2017, TP sẽ đưa thêm 841 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (CNG) vào hoạt động trên 39 tuyến xe buýt có trợ giá của TP. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South - đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) thỏa thuận sẽ lắp đặt thêm chín trạm bơm khí CNG. Tuy nhiên, kế hoạch này có nguy cơ… đứt gánh nửa đường vì đến nay PV Gas South chưa triển khai lắp đặt các trạm mới, đồng thời từ đầu năm 2017 giá CNG lại tăng.

Trạm bơm CNG: Ít và chưa hợp lý

Trước đó TP.HCM đã đưa vào sử dụng 256 xe buýt chạy CNG. Theo UBND TP.HCM, việc đưa vào hoạt động các xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch đã đạt được hiệu quả tích cực, cải thiện chất lượng dịch vụ, tạo hình ảnh mới cho hoạt động xe buýt của TP và góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TP.HCM), số trạm bơm CNG hiện còn ít và vị trí bố trí các trạm chưa hợp lý. Được biết trên địa bàn TP hiện có bốn trạm bơm khí CNG để phục vụ cho số xe buýt trên. Trong đó, hai trạm đặt tại ĐH Quốc gia TP.HCM và Bến xe An Sương nằm ngay điểm đầu-cuối của các tuyến xe buýt nên thuận lợi cho việc bơm nạp gas. Hai trạm còn lại là trạm Phổ Quang (quận Tân Bình) và trạm Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đặt cách xa điểm đầu-cuối của các tuyến xe buýt, do đó việc bơm nạp gas chỉ có thể tiến hành vào cuối giờ mỗi ngày.

“Trạm Phổ Quang (quận Tân Bình) nằm sâu trong nội thành và chỉ bơm từ sau 19 giờ 30 đến 22 giờ nên nhiều khi tôi đánh xe đến trạm, bơm gas xong, đánh xe về lại bến đầu thì đã là 23-24 giờ để ngày mai chạy tiếp từ lúc 5 giờ sáng. Điều này khá bất tiện cho cánh tài xế chúng tôi” - anh Trần Minh H., tài xế xe tuyến 93, cho biết. Còn theo một nhân viên kỹ thuật phụ trách bơm gas ở trạm Phổ Quang, công suất của trạm bơm này là 80-100 xe/ngày nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 30-40 xe vào bơm. “Các bác nhà xe cứ canh tới đêm, hết giờ vận doanh mới đánh xe vào bơm. Ban ngày không có xe nào đến bơm vì đường vào sân bay và trạm Phổ Quang luôn kẹt” - anh nhân viên trạm bơm giải thích.

Việc đưa xe buýt CNG vào hoạt động góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.ĐỨC

Nhà đầu tư chùn tay

Việc thiếu trạm bơm là quan ngại lớn của các nhà đầu tư xe buýt CNG. Bởi vậy từ tháng 3-2017, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cùng với PV Gas South thống nhất sẽ đặt thêm chín trạm mới; mở rộng, tăng công suất cho bốn trạm cũ và điều chuyển vị trí một trạm cũ cho phù hợp. “Chốt lại, kế hoạch trên phải hoàn thành từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5-2017. Thế nhưng đến nay việc mở trạm mới, mở rộng trạm cũ gần như chưa nhúc nhích” - một cán bộ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cho biết.

Với hơn 840 xe đầu tư trong năm 2017 trong khi các trạm bơm chưa được tăng thêm thì các xe buýt sẽ hoạt động ra sao? “Sẽ là cảnh tượng xe phải xếp hàng rồng rắn trước trạm để chờ bơm xuyên đêm. Khi đó tài xế còn đâu sức để lái cho các chuyến ngày mai” - ông Lâm Văn Phấn, Giám đốc Hợp tác xã Việt Thắng, lo lắng.

Trong khi đó, từ đầu năm 2017, PV Gas South điều chỉnh tăng giá bán khí CNG lên bằng 66% so với giá dầu DO (hiện là 60%) và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán khí CNG cho các năm tiếp theo. Điều này khiến các nhà đầu tư xe buýt CNG thêm chùn tay.

 

Do độc quyền cung cấp CNG?

Tháng 4-2017, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa ký văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đề nghị tập đoàn và PV Gas South đẩy nhanh xây dựng mới chín trạm nạp nhiên liệu CNG và mở rộng bốn trạm nạp CNG như kế hoạch đã thống nhất. “Việc tạm dừng triển khai việc đầu tư mới các trạm nạp khí CNG trên địa bàn TP và tăng giá gas ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương đầu tư phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch của TP.HCM” - văn bản viết. Cũng theo văn bản này, TP đề nghị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xem xét giữ ổn định giá bán CNG bằng 60% so với giá dầu DO.

Tuy nhiên, đến nay những đề nghị trên của TP vẫn chưa nhận được phản hồi từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Theo một nguồn tin từ PV Gas South, căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia mà cụ thể là PV Gas South cho rằng họ phải được TP “ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ, thân thiện với môi trường” dưới các hình thức như hỗ trợ về giá bán khí CNG, đất để lắp đặt trạm nạp… nhưng xem ra đây là những vấn đề khó giải quyết trong một thời gian ngắn.

Theo các nhà đầu tư xe buýt CNG, những đòi hỏi như trên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và PV Gas South là do họ đang độc quyền về cung cấp khí CNG. “Cứ mở cửa cho nhà đầu tư trong và ngoài nước được nhảy vào cung cấp gas thì trạm mới có liền, giá rẻ ngay!” - một nhà đầu tư khẳng định.

_______________________________

Một xe buýt CNG có giá gấp ba lần xe chạy dầu DO. Cụ thể, loại buýt CNG 80 chỗ có giá 2,75 tỉ đồng/chiếc trong khi xe chạy dầu DO cùng loại chỉ khoảng 900 triệu đồng/chiếc. Lớn tiền như thế mà mua xe về rồi không có gas thì buộc xe phải… trùm mền sao!

Ông NGUYỄN VĂN TRIỆU, Giám đốc Hợp tác xã 19-5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm