Xe quá tải tung hoành ‘trước mũi’ trạm cân

Từ các năm 2014 đến 2016, TP.HCM đầu tư hàng chục tỉ đồng cho các trạm kiểm tra tải trọng xe (trạm cân) cố định. Nhưng đến nay tình trạng xe quá tải ngang nhiên chạy qua trước mặt các trạm cân này đang diễn ra ngày càng công khai, rầm rộ…

Thoải mái né làn có cân

Trạm cân cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ Bình Chánh qua quận 7 có ba bộ camera, cân sơ cấp đặt ở ba làn xe giữa đường. Từ năm 2016, giới tài xế chuyên qua đoạn này biết rất rõ tình trạng trang bị kỹ thuật trạm cân số 3 này. Vì thế khi đã xác định “chơi” chuyến hàng quá tải là giới tài xế cho xe từ ngã tư Nguyễn Văn Linh-Phạm Hùng lách qua bên phải, đi vào hai làn xe hỗn hợp dành cho xe máy, xe con ở bên ngoài cùng.

Trong nhiều buổi sáng tuần qua, PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận không ít xe tải loại lớn chở hàng oằn nhíp, lốp bẹp sát xuống mặt đường đi lấn vào làn dành cho xe máy, ô tô nhỏ. Trao đổi với một thanh tra viên thuộc Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 6 chốt ở trạm cân số 3, vị này nhìn nhận chắc chắn những xe trên chở quá tải. “Nhưng nó đi dạt sang hai làn hỗn hợp, không qua ba làn có cân ở giữa nên chúng tôi rất khó buộc những xe đó vào cân để kiểm tra tải trọng” - vị thanh tra nói.

Sáng 22-4, trao đổi với PV, thanh tra viên Trương Văn Sáng, thuộc Đội 6 Thanh tra Sở GTVT TP, cho rằng ở dọc bên phải đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Linh-Phạm Hùng đến cabin đặt chốt trạm cân số 3 có rất nhiều garage, kho bãi. Xe tải các loại từ đây đi ra đường không thể quay đầu ngược trở lại ngã tư để vào ba làn ở giữa mà buộc phải đi thuận chiều luôn. “Chúng tôi không có quyền dừng các xe trên ở chốt cabin vì nó không đi qua cân trên cầu, không có tín hiệu báo quá tải” - ông Sáng nói.

Một xe container thoải mái đi vào làn hỗn hợp có xe máy trên đường Nguyễn Văn Linh, hướng từ Bình Chánh qua quận 7 để né trạm cân số 3 phía trước.

Một xe bồn chở bê tông tươi vô tư đi vào làn cấm, không có cân trên đường Nguyễn Văn Linh, từ quận 7 qua huyện Bình Chánh.

Một xe ben chở quá tải vừa xuống khỏi cầu Giồng Ông Tố 2 trên đường Đồng Văn Cống là rẽ phải vào đường nhánh để né trạm cân số 5 phía trước. Ảnh: L.ĐỨC

“Con xe đã tỏ làn đi lối về”

Trong vai người cần san lấp một khu đất trũng ở khu vực giáp ranh giữa quận 7 và huyện Bình Chánh, PV được một nhóm nhà xe tải ben nhận cung cấp cát với giá mềm nhất. “Trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh, qua cầu Rạch Ông chở quá tải không bị trạm cân vịn à?” - PV hỏi. “Bác khỏi lo, “con xe đã tỏ làn đi lối về” nên mới vô tư chở cát có ngọn cho nhà bác với giá mềm thế đó” - Hùng, một chủ xe ben, nói ỡm ờ.

Để chứng minh, Hùng dẫn PV đi thị sát tuyến và chỉ ra cách đi từ Bình Chánh qua quận 7 thì đánh xe ra làn hỗn hợp như đã nêu trên bài. Còn đi từ quận 7 qua Bình Chánh thì đi ra làn ở sát bên dải phân cách giữa hai chiều đường vì làn này không có cân, hai làn bên phải thì có.

Trong nhiều buổi sáng vừa qua, đứng ở ngay sau trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, dưới dốc cầu Ông Lớn, PV thấy ở ngay chân cầu Ông Lớn có một loạt biển báo trạm cân cách phía trước 700 m và làn sát dải phân cách chỉ cho xe con, xe buýt đi qua. Tuy nhiên, PV ghi nhận nhiều xe ben, xe bồn chở xi măng, xe chở cọc đóng móng nhà và cả xe container đánh lái đi vào làn sát dải phân cách để qua cầu. “Vậy sao ông và nhiều xe quá tải khác vẫn vô tư đi vào làn cấm này?” - chúng tôi hỏi tài xế Hùng và được Hùng dạy khôn: “Nghề chúng em làm gì cũng phải giữ bí mật để mà sống nhà bác ạ!”.

7 tỉ đồng là vốn đầu tư trung bình cho một trạm cân, theo Sở GTVT TP.HCM. Hiện TP có bốn trạm cân. Mỗi trạm cân có 15-16 nhân viên, mỗi ca có 6-8 người trực, trong đó TTGT 2-4 người. Lương của mỗi nhân viên trạm cân 2,7-3 triệu đồng/tháng. Ca trực ngày được bồi dưỡng 50.000 đồng/người, ca đêm 100.000 đồng/người. 

Vào đường cấm cứ là vô tư

Vừa đổ dốc cầu Giồng Ông Tố 2 trên đường Đồng Văn Cống hướng về vòng xoay Cát Lái là gặp trạm cân số 5 nằm cách đó khoảng 1 km. Cũng trên đoạn đường này là liên tiếp các con đường nhánh nhỏ hai bên như Bát Nàn, Lê Hiến Mai, Phan Văn Đáng, Nguyễn Thanh Sơn và hàng loạt hẻm nhỏ khác… Nên theo Tân, tài xế cho một hãng vật liệu xây dựng ở quận 2, đã chở quá tải thì cứ vô tư qua cầu Giồng Ông Tố 2, xuống dốc cầu là rẽ phải ngay, đi vào các con đường trên để tránh trạm cân số 5.

Theo khảo sát của PV, ở đầu những con đường nhánh trên có một số ít bảng cấm xe tải và đầu một số tuyến nhánh có thanh chắn ngang không cho xe tải đi qua. Nhưng nhiều thanh chắn đã bị xe tải tông gãy hất lên trời cho xe chui ở dưới. Hỏi sao dám to gan đi vào đường cấm, đường bị chặn thì Tân trả lời tỉnh bơ: “Anh không biết chớ TTGT có người chung vốn làm ăn với các vựa vật liệu xây dựng nên chúng em đi vô tư”.

Những ngày qua, PV nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Đội TTGT số 5 để xác minh thông tin trên của tài xế Tân nhưng người thì không bắt máy, người nói bận…

Chờ Thanh tra Sở GTVT TP vào cuộc

Theo một báo cáo từ năm 2017, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã nắm được tình hình xe quá tải đi vào các tuyến đường nhánh cấm ở khu vực dưới chân cầu Giồng Ông Tố 2. Thông tin mới đầu tháng 4 này cho biết Thanh tra Sở sẽ phối hợp với các phòng, ban, khu quản lý giao thông của Sở để khảo sát, cập nhật tình hình trên. Còn trong tuần, trao đổi với PV, một cán bộ Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết sẽ đi nắm lại biển báo, thanh chắn ở các đường nhánh này. Trong khi chờ Thanh tra Sở và các phòng, khu vào cuộc thì tình trạng xe quá tải vẫn vô tư đi vào khu vực trên. Còn các biển báo và thanh chắn thì đã ngả nghiêng, rêu mốc và vểnh lên trời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm