Xong cầu Vàm Cống, miền Tây chắp thêm cánh

Ngày 14-5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cùng lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện liên quan và Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đi kiểm tra điểm khánh thành cầu Vàm Cống tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Tại buổi làm việc này, ông Võ Thành Thống đã có cuộc trao đổi ngắn với Pháp Luật TP.HCM và các báo khác nhân sự kiện cầu Vàm Cống chuẩn bị khánh thành (ngày 19-5).

Hưởng lợi nhiều từ dự án

. Phóng viên:Thưa ông, việc khánh thành cầu Vàm Cống có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung?

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống

+ Ông Võ Thành Thống: Dự án cầu Vàm Cống hoàn thành, cùng với cầu Cần Thơ sẽ góp phần đóng một vai trò rất lớn trong việc đấu nối các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Đồng thời đấu nối các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với cả nước theo tuyến quốc lộ phía Tây. Đặc biệt, người dân bốn tỉnh/TP gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dự án này.

Bên cạnh đó, theo tôi, cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội, kể cả đảm bảo quốc phòng, an ninh cho khu vực. Cạnh đó, nó cũng góp phần cho TP Cần Thơ giảm được áp lực giao thông đi qua tuyến quốc lộ 1. Người dân hai bên bờ sông và người dân ĐBSCL rất mong đợi ngày khánh thành cây cầu này.

. Xin ông cho biết TP Cần Thơ đã chuẩn bị gì để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh khi cầu Vàm Cống thông xe?

+ Về nhu cầu phát triển công nghiệp của TP Cần Thơ, trong hoạch định của TP có KCN ở Thốt Nốt và khu tiểu thủ công nghiệp ở Vĩnh Thạnh. Trong đó, dự án KCN Thốt Nốt đã triển khai giai đoạn 1, hiện nay cơ bản xong rồi. TP đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2. Khi có cầu Vàm Cống, việc triển khai này sẽ thuận lợi hơn và nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẽ đến với KCN này. Đối với khu tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Thạnh, TP cũng đang quan tâm chỉ đạo để tổ chức triển khai trong thời gian tới.

Tăng năng lực cạnh tranh

. Ông đánh giá thế nào về các lợi ích kinh tế mang lại đối với hàng nông sản của vùng khi cầu Vàm Cống chính thức vận hành?

+  Sản phẩm chính của ĐBSCL là sản phẩm từ nông nghiệp nên trọng lượng và khối lượng rất lớn, phụ thuộc vào vận tải rất nhiều. Cho nên có tuyến này, ngoài vận chuyển hành khách, người dân đi lại thì nó còn có vai trò và ý nghĩa về vận tải hàng hóa rất cao. Trong đó, tuyến này sẽ làm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang đi TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và ngược lại.

Cầu Vàm Cống chuẩn bị cho lễ khánh thành dự kiến vào ngày 19-5. Ảnh chụp ngày 14-5. Ảnh: NN

Ngoài vấn đề rút ngắn thời gian thì nó còn giúp giảm chi phí vận chuyển. Thay vì ở Kiên Giang, An Giang muốn đi lên TP.HCM phải qua cầu Cần Thơ đi quốc lộ 1 tốn nhiều chi phí thì qua tuyến này chỉ cần tới Long An, qua quốc lộ 1 là đi TP.HCM, Bình Dương…, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng góp phần lớn trong việc tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa của các tỉnh ĐBSCL. Cho nên về mặt kinh tế, tôi cho rằng có ý nghĩa rất lớn.

. Khi kiểm tra về địa điểm chuẩn bị làm lễ khánh thành cầu Vàm Cống, ông có nêu ý kiến kiến nghị Bộ GTVT giữ lại phà Vàm Cống. Xin ông cho biết cụ thể?

+ Đó là mong muốn của TP Cần Thơ. Tôi nghĩ rằng tỉnh An Giang chắc cũng có mong muốn tương tự như vậy. Điều này được rút kinh nghiệm từ cầu Cần Thơ.

Cụ thể, sau khi cầu Cần Thơ đưa vào hoạt động thì chúng ta đã ngưng hoạt động của phà Cần Thơ. Việc này cũng phù hợp nhưng còn một bộ phận nhân dân ở hai bờ có nhu cầu qua lại nhưng việc qua cầu với họ không thuận lợi lắm. Thí dụ như người đi bộ, người đi phương tiện thô sơ, những người làm việc ở các tổ chức hai bên bờ họ có nhu cầu đi phà. Tôi cho rằng bộ phận này không phải là ít. Cho nên chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ GTVT nghiên cứu từ kinh nghiệm đó, giữ lại phà Vàm Cống để phục vụ người dân tốt hơn.

Sớm hoàn thành Quốc lộ 80

Khi cầu Vàm Cống thông xe, mạch nối tuyến N2 từ Cần Thơ đi TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông suốt, chỉ còn chờ tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (quốc lộ 80) đấu nối sẽ thông tuyến tới tận Kiên Giang. Tuy nhiên, dự án này vừa qua có một số vướng mắc.

Nói về việc hỗ trợ dự án này, ông Võ Thành Thống cho biết: Phía chủ đầu tư là Bộ GTVT có làm việc với TP Cần Thơ về tuyến quốc lộ 80. Hiện nay, về kinh phí có tiết kiệm được để đầu tư một số hạng mục, trong đó đặc biệt mở rộng một số cây cầu để đảm bảo thông tuyến, đảm bảo bốn làn ô tô qua lại thuận tiện. Việc phát sinh này đòi hỏi phải đền bù giải tỏa, thu hồi đất.

“TP Cần Thơ đã cam kết với Bộ GTVT cố gắng vận động người dân và hỗ trợ các thủ tục để nhanh chóng thực hiện việc thu hồi đất, bàn giao mặt bằng và bố trí tái định cư để kịp thời giao chủ đầu tư triển khai, hoàn thành tuyến quốc lộ 80 với thời gian sớm nhất” - ông Thống nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm