Gỡ “điểm nghẽn” kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ

Ngày 22-11, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng báo Tuổi Trẻ TP.HCM, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tổ chức chương trình hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 150 khách mời gồm đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Văn phòng Chính Phủ, Bộ GTVT, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ (ĐNB), các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực giao thông, cảng…

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhấm mạnh: khu vực Đông Nam Bộ đã và đang khẳng định vai trò là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giữ vai trò quyết định đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, với mức đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 40% ngân sách.

Đây là một trong những vùng phát triển kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, là vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hoá dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, hàng không, cảng biển, logistics; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.

Tuy nhiên thời gian qua, sự phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Trong đó, một trong những nguyên nhân là do “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ còn có những mặt chưa theo kịp nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế và quy hoạch được duyệt…

Đường ven biển Bà Rịa- Vũng Tàu và Bình Thuận chưa thông toàn tuyến-Ảnh:TK

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, thảo luận về các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tính chất liên kết vùng Đông Nam bộ. Đồng thời cũng phân tích, nhận diện cụ thể những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trong đó có vấn đề giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế chính sách

Qua các ý kiến đại biểu, chuyên gia cũng đề xuất, hiến kế cho các bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT, Chính phủ, các cơ quan liên quan để kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các quy hoạch, dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực…

Cụ thể một số giải pháp như tuyên truyền và nâng cao nhận thức về lợi ích mang lại của việc nối kết hạ tầng trong vùng; xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung cho toàn vùng; Nghiên cứu và nhanh chóng thành lập Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng cho toàn vùng, chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nối kết; Ban hành quy chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương trong vùng, khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch và nâng cao trách nhiệm của bộ ngành trung ương…

Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu là một dự án hạ tầng kết nối giao thông quan trọng của vùng Đông Nam bộ đang được triển khai

Bên cạnh đó cần có cơ chế vay vốn phù hợp cho các dự án hạ tầng giao thông, tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương cho vùng; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện đầu tư các đường vành đai, các tuyến cao tốc với sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các địa phương có điều kiện trong vùng; Nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng; về chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê kết cấu hạ tầng; về phí sử dụng kết cấu hạ tầng, giá phí sau đầu tư, có sự điều tiết của Nhà nước nhằm huy động nguồn lực để đầu tư các dự án mới.

Ngoài ra, cũng có kiến nghị cần xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho địa phương; Tăng phân bổ đầu tư cho địa phương từ nguồn ngân sách phải nộp về Trung ương đối với TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Tại hội thảo, Ban tổ chức cũng trao Công trình nghiên cứu Kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM và tập hợp các ý kiến đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, bạn đọc đến lãnh đạo Bộ GTVT…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm