Hà Nội cấm xe máy tại nội thành vào năm 2030

Ngày 4-7, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua “Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. Theo đó, Hà Nội sẽ chính thức dừng hoạt động xe máy tại nội thành từ năm 2030.

Vì sao cấm xe máy, hạn chế ô tô?

Đề án đưa ra thực trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm bụi từ giao thông trên địa bàn nội thành Hà Nội hiện nay là rất nghiêm trọng. Cụ thể, toàn Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy, hơn 485.000 ô tô; chưa tính 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Hiện tốc độ tăng trưởng của ô tô trên địa bàn giai đoạn 2011-2016 là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Với số lượng phương tiện nêu trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/giờ thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ vào Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng.

Cảnh tắc đường như thế này là hình ảnh khá quen thuộc của người dân Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ 

Bên cạnh đó đề án cũng cho hay tình trạng ô nhiễm môi trường cũng phức tạp, nồng độ các chất ô nhiễm không khí gia tăng. Theo nghiên cứu về chất lượng không khí do Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh GreenID thực hiện thì ba tháng đầu năm 2017, số ngày chất lượng không khí ở mức “rất có hại cho sức khỏe” gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Các chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội cũng ở mức cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc gia, trong đó 70% nguyên nhân là do hoạt động vận tải cơ giới đường bộ.

Hàng loạt giải pháp hạn chế xe cá nhân

Đề án đưa ra mục tiêu tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo nhu cầu đi lại và môi trường sống của người dân. Theo đó, đề án đưa ra lộ trình phát triển vận tải công cộng như sau: Tại khu vực nội thành, đến năm 2020 đạt 30%-35% nhu cầu đi lại và năm 2030 khoảng 50%-55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Sắp tới, các phương tiện xe máy, ô tô cá nhân sẽ bị hạn chế tại Hà Nội. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Bên cạnh đó đề án cũng đưa ra giải pháp quản lý số lượng, chất lượng phương tiện giao thông như giải pháp phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường; giải pháp cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh, cấp hạn ngạch hoạt động taxi (gồm cả xe Uber, Grab…) trong nội đô. Đặc biệt, đề án đưa ra giải pháp hạn chế ô tô cá nhân bằng cách chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện.

90,35% người dân ủng hộ hạn chế xe cá nhân

- Đề án đã được sự góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Qua khảo sát gần 15.400 hộ dân tại 30 quận/huyện thì có tới 84% người dân ủng hộ đề án. Có 90,35% người dân ủng hộ hạn chế xe cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy nhưng yêu cầu vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

- Đề án đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp trên làm ba giai đoạn gồm: Giai đoạn 2017-2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Giai đoạn 2017-2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Giai đoạn 2017-2030, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm