Hàng loạt cầu yếu cản trở giao thông đường thủy

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trong hơn 1.100 cầu do Sở và các quận, huyện quản lý có khoảng 200 cây cầu yếu, 55 cầu không đồng bộ tải trọng với các cầu khác cùng nằm trên một tuyến đường, 61 cầu bắc qua tuyến đường thủy trọng yếu… Trong chủ trương phát triển giao thông đường thủy để “cứu” đường bộ, hơn 315 cầu này vừa là “vật cản” vừa là đối tượng dễ bị “tổn thương” vì trên thì xe tải đè, dưới sông thì sà lan, ghe tàu đâm.

Hàng loạt trụ chống va “già yếu”

Từ năm 1995 đến sau 2000, sau sự cố sà lan đâm làm sập cầu Bình Điền trên quốc lộ 1, quận Bình Tân, TP cho lắp hàng loạt trụ chống va ở các cầu yếu nằm trên các tuyến sông, kênh đường thủy quan trọng. Đến nay, sau hơn 20 năm các trụ chống va này bị tác động bởi dòng chảy, độ nhiễm mặn, phèn, tác động của các công trình lân cận… nên đều bị mòn, mục, rỉ sét và có thể… sụp bất cứ lúc nào.

Cụ thể, cuối tháng 10-2017, các cơ quan chức năng phát hiện trụ chống va cầu Chữ Y, quận 8 bị ngã đổ về phía bờ kênh Đôi. Theo người dân, đêm trước đó, một sà lan chở cát đi qua đâm trúng làm trụ chống va này đổ rồi bỏ đi luôn. Còn báo cáo của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thì cho biết trụ chống va thép hình chữ I này làm đã lâu, ngâm trong nước bẩn, bị mục rỉ nên… tự ngã.

Cũng theo báo cáo của Khu 1, hiện trên các hướng chảy của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi đổ vào các chân cầu Chữ Y đều có trụ chống va. Nhưng các trụ chống va này đã làm từ lâu giống như trụ vừa đổ. Cầu Chữ Y là cầu yếu (chỉ 13 tấn) và nằm trên tuyến đường thủy quan trọng đi về sông chợ Đệm, về miền Tây nên các trụ chống va còn lại có nguy cơ bị ngã đổ rất cao, uy hiếp đến phần cầu chính.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác công trình giao thông đường bộ, Sở GTVT, Sở đã có kế hoạch cụ thể phục hồi một số trụ chống va gãy, sụp; tới đây sẽ làm mới hoặc thay thế các trụ chống va bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu.

Cầu Ông Nhiêu, quận 9 quá thấp, sắp tới sẽ được nâng cao để thuận tiện cho giao thông thủy ra vào cảng cạn Khu công nghệ cao.

Cầu thấp cản trở

Từ nhiều năm qua, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe container từ Khu công nghệ cao, quận 9 vận chuyển hàng trên đường Vành đai 2 để sang cảng biển Tân Cảng - Cát Lái, quận 2. Cách vận chuyển này gây áp lực lớn lên các tuyến đường trong khu vực như Vành đai 2, nút Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định… và chi phí bị đội lên cao do phải di chuyển đoạn đường khá dài. Để gỡ khó cho việc vận chuyển trên, TP chủ trương xây dựng cảng sông ngay trên diện tích 6 ha trong Khu công nghệ cao, dọc theo rạch Trau Trảu. Bến cảng này dài 250 m cho khoảng 800 container thông qua/ngày đêm. Khi có cảng sông, hàng hóa sẽ đi thẳng từ Khu công nghệ cao ra cảng biển Tân Cảng - Cát Lái (qua rạch Trau Trảu, sông Ông Nhiêu và sông Đồng Nai), giảm áp lực cho các tuyến đường, nút giao thông nêu trên.

Thế nhưng trên tuyến sông Trau Trảu và Ông Nhiêu hiện lại vướng hai cầu quá thấp là cầu Tăng Long và cầu Ông Nhiêu (tĩnh không chỉ cao 1,5 m). “Phải xây mới, nâng tĩnh không của hai cầu này lên trên 6 m thì các loại sà lan chở container mới chui qua, thuận tiện ra vào cảng cạn trong Khu công nghệ cao” - ông Đoàn Phú Đức, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, cho biết.

Theo một nguồn tin, TP đã quyết định đầu tư hơn 875 tỉ đồng để làm mới hai cầu, khơi thông dòng vận tải thủy vào ra cảng cạn trong Khu công nghệ cao. Công trình sẽ được khởi công đầu năm 2018 và hoàn thành sau hai năm.

Tăng tải cầu yếu

Trên đường Lê Văn Lương, nối quận 7 với huyện Nhà Bè, dài khoảng 6 km có bốn cầu sắt yếu. Đó là cầu Rạch Đỉa 1, cầu Long Kiển, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Cả bốn cầu này được làm từ trước năm 1975 bằng các dàn cầu sắt theo kiểu dã chiến, khổ cầu rộng từ 3 đến 3,3 m, không có lề bộ hành, khả năng chịu lực của các cầu không cao. Đồng thời qua thời gian sử dụng lâu năm kết cấu cầu đã có hiện tượng hoen rỉ.

Trước áp lực mật độ và thời gian lưu thông qua mặt cầu tăng cao, trong năm 2017, Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 đã duy tu, sửa chữa để đảm bảo tải trọng bốn cầu là 3,5 tấn. “Việc tăng tải trọng cho phép chỉ có thể đến giới hạn 3,5 tấn, không thể hơn được nữa. Do đó, chỉ có làm cầu mới mới đáp ứng được nhu cầu đi lại tăng lên của người dân trong khu vực” - ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu 4, cho biết.

Hiện nay, để bảo đảm an toàn giao thông tại bốn cầu này, Khu 4 cắt cử lực lượng trực gác 24/24 giờ, bố trí đèn xanh đỏ hai đầu cầu. Riêng cầu Long Kiển và cầu Rạch Tôm cấm xe bốn bánh lưu thông qua cầu trong giờ cao điểm.

Nhiều vụ đâm, va sập cầu

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đâm, va ở các cầu Mương Chuối, Bà Sáu, Bà Chiêm, Long Kiển, Rạch Dơi, Rạch Đỉa… hoặc sà lan tông sập cầu như cầu Cái Tâm, huyện Bình Chánh, tự sụp mố cầu Tân Kỳ-Tân Quý… Ngoài nguyên nhân cầu cũ, xuống cấp, lưu lượng lưu thông cả trên mặt cầu và lưu thông thủy tăng thì có cả nguyên nhân từ công tác quản lý, duy tu, sửa chữa chưa kịp thời, đồng bộ dẫn đến các cầu nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.

TP vừa quyết định đầu tư khoảng 1.070 tỉ đồng để làm mới cầu Rạch Đỉa và cầu Long Kiển, huyện Nhà bè. Đến nay, thiết kế bản vẽ thi công, tính toán chi tiết đang được chủ đầu tư lập, trình các cơ quan thẩm định, phê duyệt vào cuối tháng 12-2017 để đầu năm 2018 sẽ khởi công xây dựng hai cầu này. Riêng hai dự án xây dựng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi sẽ được đầu tư bằng hình thức PPP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm