Khẩn trương đề xuất phương án mở rộng sân bay TSN

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận số 80/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phương án quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN). Kết luận nêu rõ việc nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng suất của Cảng hàng không quốc tế TSN là rất quan trọng từ nay đến năm 2020, các cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương đề xuất để quyết định phương án khả thi nhất, bảo đảm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm an toàn và môi trường.

Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến hợp lý, khoa học của nhóm tư vấn, phối hợp với tư vấn nước ngoài hoàn thiện phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước khi báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3-2018. Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM và các cơ quan liên quan, bảo đảm phương án đề xuất phải an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải phóng mặt bằng khu vực dự án Cảng hàng không Long Thành để sớm triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nghiên cứu phương án khai thác Cảng hàng không quốc tế TSN với quy mô phù hợp khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, đồng thời tính toán phương án xử lý sân bay Cần Thơ đã quá tải.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dự án đường sắt đô thị (metro) TP.HCM tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương có văn bản gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hai dự án nêu trên để tổ chức thẩm định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ GTVT rà soát, thẩm định kỹ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Chính phủ trước ngày 20-3.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT xây dựng phương án nguồn vốn thực hiện dự án, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định. Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Bộ GTVT và dự thảo báo cáo của Chính phủ do Bộ KH&ĐT chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ bố trí họp Thường trực Chính phủ để xem xét thông qua, trình Quốc hội trước ngày 30-3.

Trước đó, theo báo cáo của Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) và Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM, trong hai dự án trên, hiện có dự án Bến Thành-Suối Tiên đang được thi công đạt hơn 50% khối lượng. Tuyến Bến Thành-Tham Lương đến nay đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đang trong giai đoạn đấu thầu tuyển chọn nhà thầu xây dựng song song với quá trình điều chỉnh dự án.

Hai dự án do UBND TP.HCM phê duyệt, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn trong nước và vốn ODA của Nhật Bản. Trong đó, dự án Bến Thành-Suối Tiên được phê duyệt năm 2005-2006 với tổng mức đầu tư ban đầu là 126.582 triệu yen (tương đương 17.387 tỉ đồng). Sau đó được TP.HCM điều chỉnh lên 236.626 triệu yen (tương đương 47.325 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khoảng 41.000 tỉ đồng (chiếm 88,4% tổng mức đầu tư) và vốn đối ứng từ ngân sách TP là 5.491,6 tỉ đồng.

Dự án Bến Thành-Tham Lương có tổng mức đầu tư sau khi tính toán lại cũng bị đội vốn từ mức 26.000 tỉ đồng lên 48.771 tỉ đồng. Hiện cả hai dự án đều chậm tiến độ và thiếu vốn. Theo quy định, dự án có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỉ đồng phải báo cáo Quốc hội để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm