Kiên Giang giảm số chuyến xe đi đến TP.HCM và 4 địa phương khác

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang vừa ra Thông báo tổ chức lại hoạt động vận tải liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ ngày 11-11, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Kiên Giang đi, đến TP.HCM, TP Cần Thơ và ba tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh chỉ được phép hoạt động không quá 50% số chuyến theo biểu đồ đã được công bố.

Từ ngày 11-11, xe khách liên tỉnh từ Kiên Giang đi, đến TP.HCM, TP Cần Thơ và ba tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh chỉ được phép hoạt động không quá 50% số chuyến. Ảnh: BT

Đồng thời, cho phép xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ Kiên Giang đến năm địa phương trên hoạt động, nhưng không được chở quá 50% số ghế được phép vận chuyển của phương tiện.

Sở GTVT tỉnh Kiên Giang yêu cầu hành khách, tài xế và người đi cùng trên phương tiện tuân thủ nghiêm 5K trong suốt chuyến đi,thực hiện khai báo y tế. Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như: ho, sốt, đau họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai xử lý theo quy định.

Tính đến tối 10-11, Kiên Giang ghi nhận gần 14.000 ca mắc COVID-19 và trong những ngày vừa qua số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh này đều là 3 con số. 

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở ngành và các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kích hoạt lại tất cả các khu cách ly F1 để thu dung, điều trị F0.

Đồng thời, triển khai cách ly toàn bộ F1 tại nhà, nơi lưu trú. Cạnh đó, phải hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân trước ngày 12-111 và nhập liệu theo kế hoạch, đặc biệt phải đạt tỷ lệ tiêm mũi 2 là 70% vào cuối tháng 11.

Chưa dám thí điểm điều trị F0 tại nhà vì sợ lây lan

Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, qua gần một tháng thực hiện Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ các địa phương trong tỉnh đã tổ chức khá tốt việc đánh giá cấp độ dịch. Từ đó, áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp với từng cấp độ.

Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa xác định được yếu tố quyết định là việc tạo miễn dịch cho người dân, nên chưa quyết liệt đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Mặt khác, còn một vài địa phương lúng túng trong việc kiểm soát tình hình dịch, vẫn còn thu dung, điều trị tất cả F0, chưa dám thí điểm quản lý F0 tại nhà vì sợ lây lan, khó kiểm soát. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm