Kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022

Ngày 20-11, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã chủ trì buổi họp với các doanh nghiệp (DN) để góp ý cho dự thảo đề án thu phí sử dụng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP (thu phí cảng biển).

Các doanh nghiệp góp ý cho dự thảo đề án thu phí sử dụng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo ông An, hiện nay tổ công tác xây dựng đề án đang tiếp tục lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, sau đó sẽ trình HĐND TP vào kỳ họp tháng 12-2020.

Cần tính toán thời điểm thu phí

Tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết vấn đề phí và lệ phí đã được ban hành trong luật, song tính toán mức phí thì do HĐND TP quyết định. Tuy nhiên, theo ông Dũng, Sở GTVT và tổ công tác đã rất cầu thị khi gửi dự thảo cho các DN để lấy ý kiến.

Ông Dũng nhận định thu phí tốt sẽ có nguồn ngân sách để cải thiện hạ tầng giao thông, theo đó sẽ giảm ùn tắc và chi phí vận chuyển được giảm. Nếu giải quyết bài toán đó thì 100% DN đồng tình. Tuy nhiên, Sở GTVT phải đưa ra lộ trình, quy hoạch ra sao để đảm bảo đề án được hiệu quả.

 

TP cần đầu tư vào khu vực cụm cảng mang lại hiệu quả ngay

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng hệ thống giao thông không đáp ứng đã gây ra tình trạng ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm dẫn đến việc quay vòng xe chậm. Do đó, việc thu phí để đầu tư các tuyến đuờng trong cụm cảng trong bối cảnh ngân sách TP không đáp ứng là hoàn toàn hợp lý và hiệp hội ủng hộ việc huy động các nguồn lực hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Quản, hiện nay các DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên TP cần đưa ra mức thu cho từng thời gian, từng giai đoạn để đảm bảo sức cạnh tranh và tránh áp lực lên DN. Đồng thời TP cần tập trung đầu tư ngay vào khu vực cụm cảng, mang lại hiệu quả ngay.

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc làm đường, mở rộng đường sẽ tạo sự thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, chi phí thu phải minh bạch, rõ ràng, năm đầu tiên đầu tư vào cái gì, công trình nào, cải tạo ngay những tuyến đường ra sao. Đối với mức phí thu nên cùng nhau nghiên cứu, tránh tình trạng họp nhiều lần, nhiều lần giảm mức phí như Hải Phòng.

Hiện nay, chi phí logistics lớn đang đè nặng lên DN, ngành hàng sản xuất. Nếu thu như mức đề xuất thì một DN, một tháng xuất khoảng 400 container sẽ phải đóng khoảng 1,2 tỉ đồng tiền phí.

Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty MP logistics, cũng cho rằng ý tưởng thu phí cảng biển để đầu tư hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông là một ý tưởng rất hay. Tuy nhiên, TP cần tính toán thời điểm, bởi hiện nay dịch COVID-19 đang khiến nhiều DN lao đao. Ngoài ra, do chi phí logistics ở Việt Nam đang cao ngất ngưởng nên bà Phương lo ngại việc thu phí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, chi phí của DN. Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa TP.HCM và các DN trong khu vực.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tấn Hưng, cho rằng hiện nay việc vận chuyển hàng hóa ra vào cảng rất khó khăn. Hải Phòng đã nghiên cứu và áp dụng từ lâu, song TP.HCM bây giờ mới xây dựng đề án là hơi muộn. Bà Giàu cho biết làm sao DN có thể phát triển được khi xe đi từ sáng đến chiều mới được một container, như vậy sao mình cạnh tranh được. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại nguồn phí cảng biển này có bị trùng với phí bảo trì đường bộ không.

Không có chuyện phí chồng phí

Ông Lê Hòa An cho biết hiện nay Hải Phòng đã thu nhưng TP.HCM bắt đầu xây dựng đề án và chuẩn bị áp dụng. Ông An khẳng định không có chuyện phí chồng phí. Phí bảo trì đường bộ được đóng theo đầu xe và nguồn phí này sẽ được gửi về Bộ Tài chính. Còn phí hạ tầng cảng biển sẽ được đầu tư tập trung cho chính khu vực cảng biển đó. Toàn bộ nguồn phí sẽ đầu tư vào chính những con đường từ cảng này sang cảng kia, không phải cho toàn bộ hạ tầng giao thông TP.

Ông An lý giải trong 10 năm tới, nguồn ngân sách đầu tư cho giao thông là hơn 970.000 tỉ đồng, trong khi đó ngân sách TP trong năm năm tới chỉ đáp ứng 117.000 tỉ đồng (chiếm 24% trong tổng vốn đầu tư). Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn thì việc có thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng khu vực cảng biển là vô cùng quan trọng.

 

2.600

tỉ đồng/năm, là mức thu phí dự kiến sau khi tổ công tác chuyên ngành làm việc và có sự điều chỉnh so với con số ban đầu. Thời gian đầu thu phí sẽ bắt đầu từ tháng 7-2021.

“Chúng ta thu phí cảng biển này thì mỗi năm được 3.000 tỉ đồng, năm năm là 15.000 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn bổ trợ cho hệ thống giao thông. Nếu chúng ta thu theo đúng dự tính thì nhiều nút giao thông sẽ hoàn thành trong năm 2024. Lúc này hạ tầng giao thông hoàn thiện, thời gian xoay vòng nhanh và chi phí vận tải giảm” - ông An khẳng định.

Giải thích vì sao hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho qua ngoại quan chịu mức phí khác và hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM chịu giá khác, ông An cho biết khi thu phí cảng biển sẽ thu trên khối lượng hàng hóa, trường hợp đường sá xuống cấp thì cần duy tu, bảo dưỡng theo đúng quy hoạch và DN TP đã có sự đóng góp cho TP. Tuy nhiên, DN ở tỉnh chưa đóng góp nhưng sử dụng hạ tầng TP thì mức thu sẽ khác.

Theo ông An, hiện tổ công tác đã bổ sung thêm phụ lục các công trình sẽ làm, lộ trình ra sao và hạ tầng sẽ thay đổi như thế nào vào đề án, trong thời gian lùi thu phí tổ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh đề án.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm