Kiến trúc Pháp ở Huế sao dừng lại ở 27 công trình?

Đó là trả lời của ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa VII tỉnh diễn ra vào chiều 12-7.

Trường Hai Bà Trưng là một trong 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu được công nhận. Ảnh: N.DO

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đặt câu hỏi: UBND tỉnh đã có quyết định công bố 27 kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế để tạo cơ sở, định hướng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị, cảnh quan kiến trúc. Đây là điều dư luận đang rất quan tâm, đề nghị UBND tỉnh cho biết các tiêu chí của việc rà soát này?

Trả lời chất vấn, ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết ngày 30-5, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về danh mục thống kê các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế.

Các tiêu chí xếp loại kiến trúc tiêu biểu gồm: Công trình có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật; có giá trị lịch sử; chất lượng hiện trạng; đảm bảo sử dụng, khả năng an toàn cho việc tiếp tục sử dụng; đảm bảo phù hợp, cảnh quan khu vực, quy hoạch không gian được phê duyệt.

"Trên cơ sở các tiêu chí trên, việc thống kê các danh mục công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đã được UBND tỉnh ban hành làm cơ sở bước đầu để đánh giá về chất lượng công trình, hiện trạng sử dụng, khả năng an toàn sử dụng… nhằm định hướng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra, trong danh mục này có một số công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật và ảnh hưởng không gian đô thị để định hướng phát huy giá trị kiến trúc. Việc ban hành danh mục trên làm cơ sở bước đầu thống kê các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu để làm cơ sở xây dựng quy chế quản lý, quy trình bảo trì công trình…" - ông Minh nói.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết danh sách công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu không dừng lại 27 công trình. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung danh mục các công trình trên trong thời gian tới.

Trước đó, vấn đề UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố 27 công trình kiến trúc Pháp đã nhận được nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc làm này là cần thiết. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là liệu UBND tỉnh có bỏ sót công trình kiến trúc Pháp nào hay không?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh cho biết để làm được việc này cần phải làm nghiêm túc về mặt học thuật, xuất phát từ các khảo cứu nghiêm túc, không nên tùy tiện “gắn mác” công trình tiêu biểu cho 27 hạng mục kiến trúc nói trên.

Ông Hoa cũng thắc mắc: "Không hiểu vì sao tòa nhà tại số 26, nằm trên khu vực “vàng” của đoạn đường Lê Lợi, vốn là một biệt thự theo lối kiến trúc Pháp tuyệt đẹp được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, hiện đang là trụ sở của liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng lại không nằm trong danh sách trên...".

Biệt thự cổ ở Huế sẽ biến thành khách sạn?
Biệt thự cổ ở Huế sẽ biến thành khách sạn?
(PLO)- Thông tin khu đất có ngôi biệt thự cổ, là trụ sở của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ được giao cho doanh nghiệp đầu tư làm dự án khách sạn khiến nhiều văn nghệ sĩ ở đây rất lo lắng.
Biệt thự cổ trước nguy cơ xóa sổ: Cần xem xét cẩn trọng
Biệt thự cổ trước nguy cơ xóa sổ: Cần xem xét cẩn trọng
(PLO)- Đó là ý kiến của TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, khi nói về việc quy hoạch khu đất có ngôi biệt thự cổ trên đường Lê Lợi (TP Huế) thành khu phức hợp khách sạn - dịch vụ - thương mại cao cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm