Hậu Giang nói về việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man

Ngày 17-12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị giao ban báo chí quý IV-2020, tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã thông tin nhiều vấn đề báo chí quan tâm, trong đó có việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man.

Nhà máy giấy Lee&Man, tọa lạc tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: CHÂU ANH

Trả lời câu hỏi: "Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu nhà máy giấy xảy ra sự cố môi trường?", bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hậu Giang, cho hay khi dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì chủ đầu tư phải thực hiện các yêu cầu theo Luật Bảo vệ môi trường và trong báo cáo ĐTM. Đồng thời, chủ đầu tư phải thực hiện các công trình bảo vệ môi trường và vận hành đúng theo quy định pháp luật.

“Trong trường hợp để xảy ra sự cố thì chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên. Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm định và phê duyệt ĐTM và UBND tỉnh cũng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh” - bà Diệu thông tin thêm.

Cũng theo bà Diệu, việc nâng công suất dự án là quyết định của chủ đầu tư và tỉnh ủng hộ, hiện nay dự án chỉ đang trong giai đoạn lập thủ tục.

Liên quan vấn đề này, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết trong 4 địa phương được tham vấn ý kiến có 2 địa phương đồng ý việc nâng công suất là Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong khi đó, tỉnh Sóc Trăng thì không đồng ý và TP Cần Thơ thì đề nghị phải cẩn trọng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí quý IV-2020. Ảnh: CHÂU ANH

“Hậu Giang khẳng định phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường, ngay dự án hiện nay chúng tôi kiểm soát đến giờ này đang rất hiệu quả. Lãnh đạo Bộ TN&MT, thậm chí là một số phóng viên, nhà báo đã vào tham quan rồi. Nếu ĐTM tới đây được bộ phê duyệt, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cam kết.

Cũng theo ông Tuyên, dự án nhà máy giấy được cấp chủ trương từ năm 2007-2008 với quy mô diện tích là 82 ha, gồm có hai dự án thành phần là sản xuất giấy carton và bột giấy. Tuy nhiên, sau khi có một số quan ngại, địa phương đã động viên nhà máy bỏ bột giấy vì nguy hiểm cho môi trường.

“Trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan, tỉnh sẽ báo cáo Bộ TN&MT, còn bộ quyết định như thế nào, xem xét được hay không thuộc thẩm quyền của bộ” - ông Tuyên nói.

Hậu Giang đã từng đề xuất nâng công suất và bị bác

Năm 2019, UBND tỉnh Hậu Giang đã từng có công văn gửi Bộ TN&MT xin ý kiến góp ý về việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man từ 420.000 tấn/năm lên 1,42 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, bộ đã bác đề xuất này của địa phương.

Theo lãnh đạo Bộ TN&MT, lý do bác đề xuất là trong bối cảnh tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với các ngành sản xuất dựa vào nguyên liệu là phế liệu như ngành giấy. Đồng thời, bộ đã yêu cầu địa phương và doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện nâng công suất nhà máy.

Một trong những điều kiện mà bộ yêu cầu địa phương, doanh nghiệp hoàn thiện trong hồ sơ đề xuất nâng công suất là phải lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là cộng đồng dân cư sống quanh khu vực nhà máy này.

Tháng 10-2020, nêu ý kiến về báo cáo ĐTM dự án nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man từ 420.000 tấn giấy/năm lên 1,1 triệu tấn giấy/năm, UBND TP Cần Thơ đánh giá việc nâng công suất của nhà máy giấy sẽ làm tăng chất thải quy mô lớn đột ngột, có thể tác động đến sông Hậu.

UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị phải có phân tích, đánh giá sự phù hợp của dự án so với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước phục vụ nước sinh hoạt. Mặc khác, chủ dự án phải đưa ra phương án thu gom, quản lý, xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình hoạt động.

“Trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để xác định thiệt hại về môi trường, kinh tế, sức khỏe con người do bị tác động từ ô nhiễm môi trường là một con số tiềm ẩn, khó có thể liệt kê, tính toán triệt để. Do đó, đề nghị chủ dự án hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực” – công văn của UBND TP thể hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm