Hội thảo chống sạt lở ĐBSCL xuất hiện những thông tin 'sốc'

Ngày 9-4, tại tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp tổ chức hội thảo tìm giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL do Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì. 

Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo đề nghị phải đấu thầu các công trình bờ kè bảo vệ bờ biển.

Phần lớn tham luận của các đại biểu thể hiện tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa lớn đến tài sản Nhà nước, đến tài sản tính mạng cư dân ven biển. 

Đại diện cho tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau nói trước Hội thảo: "Cà Mau có 254 km bờ biển và trên 10.000 km bờ sông. Từ 2007 đến nay, sạt lở diễn ra nghiêm trọng, trong đó tình trạng sạt lở từ nguy hiểm trở lên khoảng 105 km bờ biển. Tỉnh Cà Mau đã nỗ lực tranh thủ mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp với khoảng bảy loại công nghệ để khắc phục, phòng ngừa sạt lở..." Thay mặt tỉnh Cà Mau, ông Hoai đề xuất Bộ Nông nghiệp và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn, cho cơ chế xã hội hóa bờ kè bảo vệ bờ sông bờ biển trong thời gian tới. 

Trên trăm đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL dự hội thảo.

Nói về tình trạng sạt lở bờ biển, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu kể về một lần được quan sát sạt lở từ trực thăng cùng với Thủ tướng chính Phủ: "Bay từ Sóc Trăng về Cà Mau mới thấy là tình trạng sạt lở càng về hướng Mũi Cà Mau càng nghiêm trọng, khủng khiếp. Có đi trên đó, các đồng chí mới thấy là cảnh báo của các nhà khoa học rõ ràng. Tình trạng thiếu phù sa chúng ta thấy rõ. Từ cửa Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đi ra ta thấy nước đục nhưng càng về hướng Cà Mau thì nó trong dần, trong dần. Và chúng ta biết là tới đây các con đập từ thượng nguồn càng nhiều hơn thì phù sa càng thiếu, tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài và nguy hiểm...".

Qua đó, ông Trung kỳ vọng Bộ Nông nghiệp sớm có những đánh giá các loại công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để các tỉnh có điều kiện tốt hơn trong việc chống sạt lở bờ sông bờ biển. 

Khoảng 10 ngàn tỉ đã đầu tư kè biển trong năm năm qua tại ĐBSCL nhưng toàn bộ công nghệ đều là thử nghiệm.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng chia sẻ: "Nếu đi trên trực thăng nhìn xuống thì ĐBSCL như đang bị một con quái vật phập vào bờ biển...".

Tuy nhiên, tại Hội thảo, một số thông tin từ các tham luận cũng gây sốc, ngược dòng với chiều hướng cho rằng sạt lở đang gây mất đất, mất rừng rất nghiêm trọng. 

Tiến sỹ Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam nói: "Theo thống kê của chúng tôi, từ 1973 đến nay, hiện tượng xói, bồi ở ĐBSCL rất phức tạp. Xu thế xói trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Từ năm 1973 đến 2013, tổng diện tích mất đất khoảng 15.000 ha, trong khi tổng diện tích bồi là 30.300 ha. Tức về tổng thể, xu hướng vẫn là bồi. Tuy nhiên, ở Cà Mau và Tiền Giang lại có diện tích bị xói lở lớn. Từ 1973 đến nay, tỉnh Cà Mau bị xói mất khoảng trên 1.600 ha, Tiền Giang khoảng 1.400 ha. Theo kết quả kiểm tra của chúng tôi, các khu vực sạt lở ven biển phần lớn tập trung ở những nơi có cửa sông đổ ra biển. Đây là việc cần làm sáng tỏ trong thời gian tới". 

Riêng anh hùng lao động, nhà khoa học Hoàng Đức Thảo đưa ra những đề xuất đáng chú ý, trong đó đặc biệt là đề xuất thứ 2 và thứ 4 của ông: "Kiến nghị thứ 2 của tôi là về đấu thầu. Chúng ta cần lựa chọn công nghệ ngay từ giai đoạn thiết kế cơ sở, hoặc là các trường hợp đã thiết kế cơ sở đã phê duyệt thì đề nghị chủ đầu tư thiết lập các hồ sơ mời thầu, cho phép nhà thầu được đề xuất các phương án thay thế theo đúng luật đấu thầu. Nếu hương án thay thế mà vượt trội về vị thế, về kỷ thuật và tiến độ thì cũng đề nghị thực hiện theo luật đấu thầu. Có như vậy mới đưa ra được các giải pháp mới về công nghệ, ưu việt và vượt trội".

Đề xuất thứ tư của ông Thảo là không chuyển giao công nghệ trong việc làm kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông. Ông lập luận rằng không có quy định nào về định giá công nghệ, nên không thể chuyển giao công nghệ mà chỉ có thể cam kết trong hợp đồng về sở hữu trí tuệ. 

Đặc biệt, các tham luận mổ xẻ sâu vấn đề công nghệ và giải pháp chống sạt lở bờ sông bờ biển. Qua đó bọc lộ việc chống sạt lở bờ sông bờ biển hiện nay đang còn rất nhiều bất cập. Tất cả các công nghệ, giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay tại ĐBSCL đều là thử nghiệm. Các loại công nghệ được cho là hiện đại nhất là kè chắn sóng tạo bãi, kè bảo vệ bờ biển, bờ sông có mức đầu tư thấp nhất 18 tỷ đồng và cao nhất đến 70 tỷ đồng/1km bờ biển. 

Chuyên gia, PGS.TS Trịnh Công Vấn đề giải quyết nạn sạt lở từ gốc: "Tôi đồng ý phải có quy hoạch rõ ràng việc bảo vệ bờ biển. Nhưng chúng ta cũng phải có những nghiên cứu căn cơ là bờ kè có làm ảnh hưởng đến đai rừng hay không. Trước đây chúng ta làm kè bảo vệ bờ biển, bờ sông, nay chúng ta làm bờ kè bảo vệ cả rừng phòng hộ thì sự ảnh hưởng của nó đến đai rừng, đến hệ sinh thái rừng như thế nào là phải nghiêm cứu rõ", ông Vấn nói. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, ông Hà Công Tuấn ghi nhận những ý kiến tham luận, đặc biệt ông quan tâm nhiều đến các đề xuất liên quan đến nghiên cứu khoa học về nguyên nhân sạt lở, quy hoạch hệ thống công trình chống sạt lở đồng bộ với các quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế địa phương. 

Buổi chiều, các đại biểu được đi thực địa tìm hiểu hệ thống công nghệ kè chống sạt lở tỉnh Cà Mau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm