Kẹt vốn ‘giải cứu’ kênh thoát nước sân bay

Dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong năm 2017 nhưng dự án cải tạo kênh Hy Vọng - hướng thoát nước quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) bất ngờ dừng lại vì không biết lấy đâu ra nguồn vốn thực hiện dự án.

Chưa biết khi nào khởi công

Ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Trung tâm chống ngập TP.HCM), cho biết dự án cải tạo kênh Hy Vọng là dự án thành phần của dự án quản lý rủi ro ngập nước. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 488 tỉ đồng. Kinh phí thực hiện dự kiến lấy từ nguồn vốn vay 400 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án quản lý rủi ro chống ngập, dự kiến khởi công trong năm 2017.

Tuy nhiên, mới đây WB thông báo dừng tài trợ 400 triệu USD cho dự án quản lý rủi ro chống ngập nên dự án cải tạo kênh Hy Vọng cũng bị ảnh hưởng theo.

“Nguyên nhân dừng tài trợ là do chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng của WB và của UBND TP.HCM khác nhau và hai bên không đạt được các thỏa thuận về vấn đề này” - ông Nghĩa giải thích thêm.

Tuyến kênh Hy Vọng bắt nguồn từ sân bay Tân Sơn Nhất chảy ra kênh Hy Vọng, tổng chiều dài chỉ hơn 1,8 km. Dự án đã được Sở TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ năm 2012. Năm 2013, UBND TP chỉ đạo phải thực hiện cấp bách dự án này. Đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án cũng đã được UBND TP phê duyệt. Song với tình hình bị mất nguồn vốn nói trên, hiện chưa biết khi nào dự án này mới khởi công.

Tuyến kênh Hy Vọng hiện hữu luôn tắc nghẽn vì rác. (Ảnh chụp ngày 24-7) Ảnh: KB

Phải tìm nguồn vốn thay thế

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi UBND TP có thông báo về việc WB dừng tài trợ 400 triệu USD, mới đây UBND quận Tân Bình đã tổ chức cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan để tìm cách giải quyết.

Theo UBND quận Tân Bình, dự án cải tạo kênh Hy Vọng là một trong những dự án cấp bách của TP, do đó cần phải tìm nguồn vốn khác để thực hiện dự án này. Phía địa phương vẫn sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ tham mưu ban hành thông báo thu hồi đất, kế hoạch thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Ông Trần Đăng Nghĩa cho biết trước tình hình trên, Trung tâm chống ngập cũng kiến nghị UBND TP giao cho Sở NN&PTNT khẩn trương phê duyệt dự án cải tạo kênh Hy Vọng dựa trên cơ sở hồ sơ đã được UBND TP phê duyệt năm 2016. Bên cạnh đó kiến nghị chấp thuận cho trung tâm ứng trước 1 tỉ đồng để thực hiện công tác tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán dự án để dự án không bị gián đoạn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập, việc cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực dọc kênh là rất cấp bách và quan trọng trong khi nguồn vốn xây dựng công trình không lớn (khoảng 99 tỉ đồng) so với hiệu quả dự án mang lại. Do đó, trung tâm kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn vốn ngân sách của TP.

Nước dơ tràn vào nhà, hôi thối không chịu nổi

Ngày 24-7, tiếp xúc với PV Pháp Luật TP.HCM, nhiều người dân sống dọc tuyến kênh Hy Vọng (quận Tân Bình, TP.HCM) rất buồn bã trước thông tin dự án cải tạo kênh nhiều khả năng không thể diễn ra theo kế hoạch.

Anh Phạm Văn Hiếu, nhà gần đoạn kênh thường xuyên bị nghẹt rác (thuộc địa bàn phường 15), ngao ngán: “Cứ mỗi lần mưa lớn, kênh tắc nghẽn do rác là nước dơ tràn vào nhà, hôi thối không chịu nổi. Chúng tôi chờ dự án này đã năm năm rồi, giờ nghe tin dự án không có vốn để thực hiện hỏi sao không thất vọng”.

Giống như tâm trạng của anh Hiếu, nhiều người dân khác sống dọc tuyến kênh Hy Vọng cho rằng con kênh này quá ô nhiễm, cần phải sớm được cải tạo, nhất là khi đây là hướng thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất.

“Tôi không hiểu vì sao ở các quận, huyện khác có rất nhiều tuyến kênh, rạch được cải tạo, còn tuyến kênh Hy Vọng có vai trò quan trọng như thế mà cứ chờ hết năm này đến năm khác” - một người dân sống gần đoạn kênh chạy ngang qua đường Phan Huy Ích bày tỏ.

Để kênh hở, thoát nước tốt hơn

Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, sân bay Tân Sơn Nhất có ba hướng thoát nước chính gồm hướng thoát ra kênh Hy Vọng, hướng thoát ra kênh A41 và hướng thoát ra tuyến mương Nhật Bản. Trước đây UBND quận Tân Bình từng đề xuất lắp cống hộp trên kênh Hy Vọng nhưng không được các sở, ngành liên quan đồng ý vì sẽ gây hạn chế hướng thoát nước của sân bay.

Để cải tạo kênh Hy Vọng, kinh phí xây dựng chiếm khoảng 99 tỉ đồng nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 276 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm