Khởi công dự án xử lý rác thải rắn công nghiệp tại TP.HCM

Ngày 20-12, Sở TN&MT TP.HCM đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp - nguy hại do Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu làm chủ đầu tư. 

Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn xây dựng và lắp đặt thiết bị vào cuối năm 2020, vận hành chính thức vào khoảng tháng 9-2021.

Lễ khởi công dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp và nguy hại tập trung tại TP.HCM.

Mục tiêu của dự án là nhằm tái chế xử lý chất thải công nghiệp, các chất nguy hại từ các nhà máy sản xuất trong và ngoài khu công nghiệp; các phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích, viện, trường đại học; cơ sở chăn nuôi, các cơ sở y tế

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, trung bình mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 4.000 tấn chất thải công nghiệp, 350-400 tấn chất thải nguy hại.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước, TP chú trọng phát triển các nhà máy xử lý chất thải đồng bộ theo hướng áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, tiết kiệm diện tích đất và có thu hồi tài nguyên, năng lượng trong quá trình xử lý.

Đây là dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tập trung đầu tiên trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, đây cũng là nhà máy xử lý chất thải rắn thứ ba theo công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới được khởi công trong vòng sáu tháng cuối năm 2019 tại TP.HCM, ông Thắng cho biết thêm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nói: "TP khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc triển khai dự án về môi trường và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự thành công của dự án tại TP.HCM”.

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại lễ khởi công.

Hiện trên địa bàn TP có 12 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất khoảng 250 tấn/ngày. Các cơ sở xử lý này đang hoạt động riêng lẻ, có quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động trong khu dân cư, khu công nghiệp; năng lực xử lý đạt hơn 50%, phần chất thải nguy hại còn lại được hóa rắn, lưu chứa tại các chủ nguồn thải hoặc được thu gom, vận chuyển về các địa phương khác để xử lý.

Sự ra đời của nhà máy phần nào giải quyết được nhu cầu xử lý chất thải rắn nguy hại theo hướng bài bản và tập trung, từng bước giải quyết tình trạng manh mún, riêng lẻ trong khâu vận chuyển và xử lý đối với loại hình rác đặc thù này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm