Lo ô nhiễm, dân phong tỏa nhà máy sản xuất phế liệu

Ngày 26-6, ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện (huyện An Dương, TP Hải Phòng), cho biết sau khi người dân tập trung phong tỏa cổng, nhà máy sản xuất tái chế phế liệu nhựa thuộc Công ty cổ phần Thương binh Đoàn Kết (viết tắt là Công ty Đoàn Kết) đã tạm dừng hoạt động để chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Trước đó, chiều tối 24-6, cả trăm người dân thôn Kim Sơn (xã Lê Thiện) đã kéo tới tập trung trước cổng nhà máy sản xuất tái chế nhựa của Công ty Đoàn Kết yêu cầu dừng hoạt động vì cho rằng quá trình sản xuất của doanh nghiệp này gây ô nhiễm. Người dân mang theo băng rôn, biểu ngữ, trải chiếu ngồi ngay trước cổng vào nhà máy (nằm bên quốc lộ 5), ngăn ô tô ra vào.

Theo người dân, từ hơn một tháng nay, khi nhà máy sản xuất thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân thôn Kim Sơn. Người dân cho rằng nhà máy nấu nhựa phế liệu thải khói mang theo mùi khét tỏa ra môi trường, trong khi các hộ dân thôn Kim Sơn nằm đối diện nhà máy nên bị mùi nhựa khét tấn công khiến nhiều người tức ngực, khó thở, nhất là người già và trẻ em.

Người dân tập trung phong tỏa trước cổng nhà máy sản xuất tái chế nhựa. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

“Mấy hôm nay thời tiết nóng nực, oi bức, khí thải khét lẹt từ nhà máy xộc vào khu dân cư càng nồng nặc, người dân bức xúc kéo ra đây phản đối, không cho ô tô ra vào” - ông D., người dân thôn Kim Sơn, cho biết. Theo ông D., ngay buổi tối 24-6, nhà máy sản xuất tái chế nhựa này đã phải dừng hoạt động theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn tiếp tục cắt cử nhau phong tỏa trước cổng, không cho xe ra vào nhà máy.

Ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện, cho biết: Trước đó, ngày 18-6, xã đã tổ chức đối thoại giữa người dân và đại diện Công ty Đoàn Kết. Tại buổi đối thoại, người dân đề nghị nhà máy phải dừng hoạt động cho tới khi được cơ quan chức năng cho phép.

Ông Hải cho biết thêm, hiện tại nhà máy đã tạm dừng sản xuất nhưng người dân vẫn tiếp tục phong tỏa. Trong khi đó, nhà máy còn vài chục tấn nhựa phế liệu doanh nghiệp muốn vận chuyển đi nơi khác nhưng do bị phong tỏa nên chưa thực hiện được. Chính quyền xã đang vận động người dân cho doanh nghiệp vận chuyển số nguyên liệu này ra khỏi nhà máy.

Ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch UBND huyện An Dương, cho hay trước mắt chính quyền đã yêu cầu doanh nghiệp dừng sản xuất, chờ cơ quan chức năng thẩm định, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, nếu nhà máy đủ điều kiện về môi trường mới được tiếp tục sản xuất.

Về phía Công ty Đoàn Kết: Theo biên bản tại cuộc đối thoại với dân ngày 18-6, đại diện công ty cũng đã thừa nhận quá trình hoạt động thử nghiệm, nhà máy đã xả nước thải ra kênh An Kim Hải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tình trạng này sau đó đã được khắc phục, nhà máy đã bít không cho nước thải chảy ra khu vực xung quanh. Hiện nhà máy cũng đang chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng.

Lãnh đạo huyện An Dương cho biết nhà máy sản xuất nhựa tái chế của Công ty Đoàn Kết trước đây sản xuất thép nhưng gần đây đã dừng hoạt động. Đầu năm 2019, doanh nghiệp này mới chuyển hướng sang sản xuất tái chế nhựa. Sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lắp đặt hệ thống thiết bị, từ tháng 5-2019, nhà máy bắt đầu sản xuất thử nghiệm. Tuy nhiên, sau khi nhà máy đi vào hoạt động một thời gian, người dân đã phản đối do ảnh hưởng tới môi trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm