‘Phòng thủ’ từ xa trước hiểm họa thủy điện trên dòng Mekong

“Sự cố vỡ đập ở Lào xảy ra trên dòng nhánh Mekong, lại xảy ra ở đập phụ, đó là điều khá bất ngờ. Điều đó cho thấy những sự cố từ các đập thủy điện rất khó lường. Nếu không có phương án ứng phó ngay bây giờ thì hậu quả sẽ rất lớn”. ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia về quản lý lưu vực sông, bày tỏ khi đề cập đến những ảnh hưởng từ hệ thống thủy điện trên Mekong.

Vỡ cứ vỡ, xây cứ xây

Theo ông Quảng, đối với những thủy điện lớn trên dòng chính Mekong thì những đập thủy điện ở Trung Quốc có mức độ ảnh hưởng rất lớn, nếu đập bị sự cố rất dễ xảy ra tình trạng domino (tác động dây chuyền). Tất nhiên, các nước gần Trung Quốc như Thái Lan, Lào sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn Việt Nam.

“Đối với Việt Nam, các đập thủy điện ở Lào, Campuchia mới là mối lo lớn hơn và gần hơn. Do đó, từ vụ vỡ đập bên Lào, chúng ta cần phải đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể xảy ra để có phương án ứng phó với những kịch bản xấu nhất như thiên tai, động đất”. ông Quảng nói và cho rằng sau sự cố vỡ đập bên Lào, phía Việt Nam nên tìm hiểu nhiều hơn về những đập thủy điện trên dòng nhánh Mekong vì những thủy điện này cũng có khả năng gây thiệt hại lớn.

TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, người có nhiều năm nghiên cứu về ảnh hưởng của đập thủy điện trên Mekong đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng bày tỏ lo ngại: “Lào và Campuchia đang xây dựng và dự kiến xây dựng nhiều đập thủy điện trên cả dòng chính và dòng nhánh Mekong, trong đó có những thủy điện xây hồ chứa rất lớn. Do những thủy điện này nằm ở hạ lưu Mekong không có độ dốc cao nên những hồ chứa được xây bờ cao để tích nước. Vì thế mức độ rủi ro cũng tăng lên, nếu xảy ra sự cố thì mức độ gây thiệt hại cũng rất cao”.

Theo TS Dương Văn Ni, trên dòng Mekong khu vực thuộc Trung Quốc đến Lào có địa chất rất phức tạp, dễ xảy ra tình trạng đứt gãy nên việc xây dựng quá nhiều hồ tích nước với khối lượng lớn ở khu vực này thật sự rất đáng lo ngại. Vì thế các nước trong lưu vực cần phải cam kết thực hiện chương trình an toàn đập và giám sát chặt chẽ về vấn đề này.

Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện, trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng. Riêng trên dòng chính Mekong, Trung Quốc, Lào và Campuchia đã quy hoạch hơn 20 đập thủy điện. Trong đó, Trung Quốc đã xây tám đập ở thượng nguồn; Lào và Campuchia có kế hoạch xây 11 đập ở hạ nguồn. Ảnh: internationalrivers.org

Cần tiếng nói kịp thời

TS Ni nhớ lại: “Nhiều năm trước, khi Lào dự tính xây đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính Mekong, tôi và nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu những tác hại đến ĐBSCL và kiến nghị các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương về nhiều vấn đề liên quan. Lúc đó, chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam làm việc với chính phủ Lào và đề nghị nước bạn nên dời thời gian xây đập thủy điện lại khoảng 10 năm để đánh giá thật đầy đủ về những tác động khi xây dựng đập thủy điện. Rất tiếc là đập thủy điện này vẫn triển khai xây dựng…”.

“Trái tim sống”

Lưu vực Mekong là một thực thể sống, hồ Tonle Sap (Campuchia) là trái tim và các dòng sông là mạch máu. Nó không cần trái tim phải lớn hơn mà cần một trái tim biết đập. Nó không cần thêm máu mà cần dòng máu chảy. Do đó, bất kỳ sự phát triển nào ở lưu vực Mekong đều nên quan tâm tới sự thay đổi nguồn nước và những tác động đến môi trường sinh thái…

TSDƯƠNG VĂN NI, ĐH Cần Thơ

Ông Ni chia sẻ thêm: “Khi kiến nghị về việc dừng xây đập Xayaburi, trong thâm tâm tôi cũng mong muốn rằng trong khoảng thời gian dừng xây đập Xayaburi sẽ có những công nghệ mới về sản xuất năng lượng hiện đại hơn, tốt hơn cho môi trường chứ không nhất thiết là phải làm thủy điện…”.

Theo TS Ni, hiện nay Campuchia đang triển khai dự án xây đập Sambor trên dòng chính Mekong. Đây là đập thủy điện lớn gần ĐBSCL nhất. Do đó, những ảnh hưởng từ đập thủy điện này trong tương lai là rất đáng lo ngại. Ông đề xuất: “Theo tôi, từ vụ vỡ đập bên Lào, chúng ta nên tổ chức một hội thảo khoa học đủ tầm để đánh giá đầy đủ những rủi ro về những ảnh hưởng của hệ thống thủy điện trên dòng Mekong đến vùng ĐBSCL. Từ đó đề xuất Chính phủ có những tiếng nói kịp thời với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Vụ vỡ đập bên Lào cho thấy những điều chúng ta lo ngại trước đây đã xảy ra chứ không còn là điều gì đó xa vời nữa”.

Các nước cùng chia sẻ trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia về quản lý lưu vực sông, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam nên tiếp tục thu thập thông tin qua các nguồn khác nhau để có thể phân tích các tác động của việc khai thác tài nguyên nước Mekong và kiến nghị với các cơ quan hữu quan có các giải pháp kịp thời. “Chính phủ Việt Nam nên có những hành động phù hợp để các bên liên quan trong câu chuyện hợp tác Mekong một mặt cần nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết sẵn có, đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm cả việc thiết lập các cơ chế chia sẻ quyền lợi, chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề tài nguyên nước Mekong” - ông Quảng bày tỏ thêm.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ, ngoại thành Hà Nội bắt đầu ngập

Sáng 29-7, tỉnh lộ 421B đoạn qua xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị ngập 0,2-0,5 m khiến xe máy và ngay cả ô tô cũng khó lưu thông. Nhiều ô tô chết máy khi cố chạy qua đoạn ngập sâu.

‘Phòng thủ’ từ xa trước hiểm họa thủy điện trên dòng Mekong ảnh 2

Người dân xã Cấn Hữu cho biết nguyên nhân ngập do nước sông Bùi dâng cao chứ tại địa phương nhiều ngày qua không có mưa lớn. Trong khi đó, lãnh đạo xã Cấn Hữu xác nhận tình trạng ngập bắt đầu từ chiều 28-7. Nguyên nhân do nước sông Bùi dâng lên khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ.

Trước đó, do tình hình mưa lũ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã ra lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình mở thêm một cửa xả đáy từ 9 giờ sáng 27-7 (ảnh). Đồng thời, phát liên tục tất cả tám tổ máy phát điện. Tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, Công ty Thủy điện Hòa Bình có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy.

NB

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm