Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ ‘Nước sạch sông Đà’

TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng khủng hoảng nước của sông Đà những ngày qua có thể thấy sự phản ứng chậm của Công ty nước Sông Đà. “Người dân đã uống nước bẩn, ảnh hưởng sức khỏe rồi công ty mới đưa ra khuyến cáo. Phản ứng của công ty với sức khỏe người dân, sinh mệnh khách hàng của mình rất chậm” - TS Dũng nói.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, chưa biết việc đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước có phải là hành vi cố ý hay không, hay có chuyện cạnh tranh giữa các công ty cung cấp nước sạch hay không nhưng có thể thấy dịch vụ công nếu để tư nhân cung cấp sẽ là miếng bánh hết sức béo bở. Bởi vì nhu cầu uống cà phê có thể có hoặc không nhưng nhu cầu về điện, về nước thì không bao giờ thay đổi.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: AH

TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho biết vấn đề dịch vụ công do tư nhân cung cấp vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước. Vì tư nhân chạy theo lợi nhuận nhưng hơn Nhà nước ở chỗ rất hiệu quả. Rất nhiều nước nghĩ đến chuyện tư nhân cung cấp dịch vụ công. “Tư nhân vì lợi nhuận có thể bỏ qua những cái khác để có được lợi nhuận. Nếu không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của chuyện không bảo đảm rất nhiều, như nước, điện, chất lượng sẽ bị bỏ xuống hàng dưới và sự việc xảy ra như nước sông Đà có thể lặp lại vô tận” - TS Dũng lo ngại. Do đó, nếu tư nhân vào thì phải có sự quản lý của Nhà nước. Phải áp đặt các chuẩn mực về quy chế pháp lý của dịch vụ công, phải kiểm tra chất lượng.

Tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia luật của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển (IPS) cũng lo ngại nếu không giải quyết vấn đề quản trị công và xử lý khủng hoảng hiệu quả thì những sự cố như Rạng Đông và Sông Đà sẽ còn lặp lại và người dân sẽ còn lãnh đủ.

Công an làm việc với con gái chủ tịch Công ty Gốm sứ Thanh Hà

Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) - nơi cung cấp số dầu thải bị đổ vào nguồn nước sạch Nhà máy Sông Đà, xác nhận với PV chiều 21-10.

Theo lời khai ban đầu, Lý Đình Vũ được một nữ giám đốc tên Trang của công ty thuê đổ dầu thải. Tuy nhiên, ông Truyền phủ nhận điều này và cho biết người tuồn dầu ra là nhân viên tên Trần Thành Trung (cán bộ vật tư kiêm thủ kho), công ty không có giám đốc nào tên là Trang. Dù phủ nhận thông tin về vị giám đốc tên Trang nhưng ông Truyền cho biết con gái ông là bà Nguyễn Huyền Trang (31 tuổi) cũng được công an mời lên làm việc.

Đáng chú ý, khi làm việc với PV, ông Truyền chỉ đạo nhân viên đưa cho PV một biên bản kiểm tra được lập vào ngày 19-10 của đoàn công tác gồm đại diện Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ… Qua làm việc xác định khoảng tháng 9-2019, Vũ liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang (trợ lý giám đốc) đề xuất việc tiếp nhận, xử lý tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang phải trả cho Vũ chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Đến ngày 7-10, Vũ gọi điện thoại cho bà Trang để lấy dầu nhưng bà Trang đi vắng nên giao lại cho Trần Thành Trung.

Như vậy, giữa thông tin do trực tiếp ông Truyền cung cấp và nội dung biên bản kiểm tra có sự mâu thuẫn. Giải thích về điều này, ông Truyền chỉ nói đây là việc của cơ quan công an, họ sẽ làm rõ.

TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm