TP.HCM: Xúc tiến, phát triển mạnh điện mặt trời áp mái

Sáng 8-8, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã tổ chức hội nghị xúc tiến, phát triển điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại Điện lực Củ Chi. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà cung cấp đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ĐMTAM. đồng thời với nhiều chính sách của Nhà nước để khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) phát triển loại năng lượng sạch như hiện nay sẽ góp phần cùng với ngành điện phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Khách hàng lắp ĐMTAM tăng mạnh

Theo EVN HCMC, đến nay đã có hơn 3.000 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất lắp đặt 39,31 MWp, điện năng phát lên lưới là 6,03 triệu kWh. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, cho rằng con số trên còn quá khiêm tốn so với tiềm năng hiện nay.

TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, số giờ nắng trung bình là 6,8 giờ/ngày và liên tục trong cả năm, cường độ bức xạ khá cao 4,3 kWh/m2/ngày. Do vậy, cần thúc đẩy ĐMTAM tại TP.HCM.  

“Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, nguồn điện quốc gia phải huy động hết công suất để duy trì và EVN cũng thường xuyên phải huy động các tổ máy nhiệt điện chạy dầu với chi phí rất cao 3.500-5.000 đồng/kWh. Dự báo đến năm 2021 nguồn điện tiêu thụ thiếu hụt ở mức cao nên việc đẩy mạnh ĐMTAM đang được thúc đẩy mạnh không chỉ ở các cao ốc, nhà dân mà đặc biệt còn tăng cường ở các khu công nghiệp” - ông Việt nói.

Theo ông Bùi Văn Kha, Giám đốc Điện lực Củ Chi, đến tháng 7-2019, Điện lực Củ Chi đã có 153 khách hàng lắp đặt ĐMT với công suất hơn 2.388 kWp. Tuy nhiên, phải đến năm 2019, số lượng khách hàng tham gia lắp đặt ĐMT mới tăng mạnh với 129 khách hàng, có công suất lắp đặt gần 2.000 kWp. Sở dĩ số lượng khách hàng tăng mạnh là do Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thanh toán tiền ĐMT cho khách hàng. Điện lực Củ Chi đã tổ chức ký hợp đồng và thanh toán tiền điện phát lên lưới cho khách hàng, đến nay đã thanh toán hơn 400 triệu đồng từ các dự án ĐMT của khách hàng.

Ông Huỳnh Quốc Việt, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định Việt Nam và thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Trước thực trạng đó, vấn đề phát triển điện năng lượng mặt trời càng được chú trọng, đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể khai thác mọi nơi và nhanh thu hồi vốn. Đặc biệt chi phí lắp đặt ĐMTAM đã giảm đáng kể so với 10 năm trước. Bên cạnh đó, từ khi Chính phủ ban hành chính sách để phát triển ĐMT, số người lắp đặt đã tăng cao, dự báo là tăng 10%/năm.

Các công nhân đang thi công hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: CTV

Nhiều giải pháp cho khách hàng lựa chọn

Ông Nguyễn Duy Quốc Việt chia sẻ việc phát triển ĐMTAM sẽ mang đến khả năng tài chính và hiệu quả cao cho các DN. Các DN trong khu công nghiệp nên mạnh dạn đầu tư và sử dụng năng lượng điện xanh, sạch vì họ sử dụng điện nhiều về ban ngày nên hiệu quả lớn hơn bán điện cho EVN. đồng thời, việc sử dụng năng lượng xanh còn có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng giá trị thương hiệu trong thời đại hiện nay.

Ông Lê Phương Bình, Phó Phòng quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP.HCM là nơi có tiềm năng để phát triển ĐMT nhưng người dân và các nhà đầu tư còn e ngại về chất lượng tấm pin và inverter do có rất nhiều nhà cung cấp với nhiều thương hiệu khác nhau. Vì vậy, khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ chất lượng pin cũng như khả năng tài chính, ưu đãi từ các gói sản phẩm của nhà cung cấp.

Còn những băn khoăn của các DN do chưa có quy định về giá điện bán lại cho ngành điện sau ngày 30-6, ông Lê Phương Bình cho biết hiện nay Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên giá là 9,35 cent/kWh đối với ĐMTAM. Đối với các dự án lớn trên 1 MWp thì DN cần lập thủ tục trình phê duyệt quy hoạch đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Từ nhu cầu thực tế, nhiều nhà cung cấp đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, các gói sản phẩm ưu việt để khách hàng hiểu và an tâm hơn.

Cụ thể, DN có thể vay vốn ngân hàng và thế chấp bằng chính hệ thống ĐMTAM. Thậm chí có đơn vị sẵn sàng đầu tư lắp đặt toàn bộ hệ thống ĐMTAM cho DN trong khu công nghiệp, sau đó bán lại tất cả sản lượng điện được tạo ra bởi hệ thống đó cho chính DN có mái với giá rẻ hơn 5%-10% so với giá của điện lực. Sau một thời gian sẽ chuyển giao toàn bộ hệ thống cho DN có mái.

Bên cạnh đó, không ít nhà cung cấp còn đưa ra gói bảo hiểm năng lượng điện cho hệ thống ĐMTAM. Từ đó nếu sản lượng điện thực tế do sụt giảm hơn so với sản lượng điện bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm sẽ bù phần chênh lệch này.

Sáng 8-8, Công ty Điện lực Củ Chi đã ký kết với bốn khu công nghiệp trên địa bàn huyện để cùng phát triển ĐMTAM trong các DN đang hoạt động tại các khu công nghiệp này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm