Xu hướng mới: Kinh doanh từ điện mặt trời áp mái

Tính đến thời điểm này, điện lực sẽ thanh toán hơn 8 tỉ đồng từ hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) mà người dân đã bán cho ngành điện trước đó. Số tiền này sẽ được chuyển khoản cho khách hàng ngay sau khi ký hợp đồng mua bán điện.

Tính toán đầu tư thêm

Ngay sau khi có thông tin ngành điện thanh toán lại tiền điện từ hệ thống ĐMTAM sau thời gian dài hòa lưới trước đó, nhiều khách hàng đã rục rịch đầu tư thêm công suất để vừa được xài thả ga vừa có thể bán lại cho ngành điện.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng (ngụ quận 9, một hộ lắp đặt ĐMTAM từ năm 2016) phấn khởi chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ đây là nguồn năng lượng sạch nên quyết định đầu tư. Từ ngày có điện mặt trời, gia đình tôi vẫn xài thả ga mà mỗi tháng chỉ phải đóng chừng 500.000 đồng, trong khi đó tôi vẫn bán cho ngành điện trung bình 300 kWh/tháng”.

Theo ông Dũng, với lượng điện tiêu thụ và bán lại cho ngành điện thì khoảng năm năm nữa ông sẽ thu hồi vốn. Bên cạnh đó, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTAM hiện giảm nhiều hơn trước nên ông quyết định nâng thêm công suất để bán lại cho ngành điện. “Bây giờ chỉ cần ký hợp đồng là hằng tháng chúng tôi sẽ có một khoản thu nhập thêm từ ngành điện” - ông Dũng nói.

Ông Dũng lý giải giá điện ngày càng leo thang và có lẽ không giảm nên việc đầu tư vào ĐMTAM là hình thức kinh doanh có lời. Ngoài lượng điện khách hàng trả hằng tháng cho ngành điện (bậc thang 1 dưới 200 kWh) thì coi như là được hưởng giá điện ưu đãi của Nhà nước.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáu (một khách hàng lắp ĐMTAM từ năm 2016) bày tỏ: “Với số tiền chừng 200 triệu đồng đầu tư ban đầu, nếu gửi ngân hàng thì sẽ có một khoản lời nhất định. Nhưng ngay tại thời điểm đó, gia đình tôi vẫn xài thả ga từ máy lạnh, tivi, thang máy… thì tôi chỉ phải thanh toán 1,5 triệu đồng trong tháng cao điểm vừa rồi. Như vậy, tôi thấy rằng phương án đầu tư của mình đang có lời. Tôi sẽ mời đơn vị thi công xuống khảo sát để có thể lắp đặt thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT)”.

Đã có nhiều khách hàng nhận được tiền từ đầu tư hệ thống  điện mặt trời  áp mái.  Ảnh: Đ.TRANG

Đã có nhiều hộ nhận được tiền

Mới đây, tại Công ty Điện lực Hóc Môn (thuộc EVN HCMC), ông Lê Ngọc Trí (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) đã nhận hơn 3 triệu đồng từ ĐMTAM. Ông Trí lắp đặt ĐMTAM từ tháng 6-2018 với công suất lắp đặt ban đầu 3 kWp. Đến thời điểm này, ĐNLMT của nhà ông Trí đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 1.500 kWh, tương ứng với số tiền hơn 3,2 triệu đồng. Vừa nhận được tiền từ ngành điện, hằng tháng cũng chỉ phải trả cao nhất là 800.000 đồng, ông Trí dự tính sẽ nâng công suất để kiếm lời từ ngành điện.

Công ty Điện lực Sài Gòn, thuộc EVN HCMC, cho biết đến nay công ty đã thanh toán đợt 1 cho bốn khách hàng với tổng số tiền gần 11 triệu đồng. Điện lực Sài Gòn sẽ tiếp tục thanh toán tiền cho khách hàng trước đó và trả tiền từ hệ thống ĐMTAM hằng tháng qua tài khoản cho khách hàng.

Trước đó, Công ty Điện lực Thủ Thiêm đại diện cho EVN HCMC cũng đã ký hợp đồng mua bán điện với 30 khách hàng. Còn những khách hàng khác đã đăng ký, công ty sẽ xuống tận nhà để ký kết với từng hộ. Ngay sau khi ký kết hợp đồng thì khách hàng sẽ được thanh toán tiền từ hệ thống EVN HCMC.

Theo EVN HCMC, hiện các công ty điện lực đã chốt chỉ số cho hàng trăm trường hợp, đây là cơ sở để thanh toán tiền điện mặt trời. Theo phiếu chốt chỉ số, có nhiều trường hợp chỉ đầu tư điện mặt trời với công suất 3-10 kWp nhưng số lượng điện đưa lên lưới là 2.000-7.752 kWh. Với công suất này, số tiền tương ứng khách hàng nhận được sẽ từ 4 triệu đến hơn 16 triệu đồng/khách hàng.

Theo Ban Kinh doanh thuộc EVN HCMC, đến nay đã có hơn 1.600 trường hợp lắp đặt ĐMTAM nối lưới. Lượng điện phát lên lưới hiện đạt hơn 4,2 triệu kWh, nếu nhân với đơn giá mua điện từ hệ thống ĐMTAM trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh thì số tiền ngành điện sẽ trả cho khách hàng là hơn 8 tỉ đồng.

Theo ông Bùi Việt Phương, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Kỹ Thuật Đạt (DAT), hiện tại giá thành một bộ ĐMTAM đã giảm rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, nếu khách hàng liên hệ qua các công ty điện lực thì lắp đặt một hệ thống ĐNLMT có công suất 2,2 kWp thì giá khoảng 46,8 triệu đồng (giá đã giảm 10%) và ước tính thời gian hoàn vốn khoảng năm năm. Thời gian sử dụng bộ ĐNLMT là trên 35 năm.

“Sau khi công ty phối hợp với EVN HCMC, khách hàng của DAT cũng đã tăng lên. Hiện tại, ngoài khách hàng là hộ gia đình thì các doanh nghiệp cũng đã liên hệ để được lắp đặt ĐMTAM thông qua EVN HCMC. Theo thống kê của EVN HCMC, tính đến cuối năm 2018 trên địa bàn TP đã có 902 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAM nối lưới với tổng công suất là 10.313,66 kWp” - ông Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, cho biết đây là thời điểm thích hợp nhất để đầu tư hệ thống ĐNLMT bởi các yếu tố: Giá thành mà các nhà cung cấp đang bán trên thị trường hiện giảm 10%-15% mỗi năm. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Bên cạnh đó, khách hàng lắp đặt hệ thống ĐNLMT sẽ làm giảm tải cho lưới điện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm