Xử lý nghiêm người tiếp tay cho sa tặc

Chiều 22-11, tại TP.HCM diễn ra hội nghị “Công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh TP với các tỉnh”.

Sa tặc ngày càng tinh vi

Tại hội nghị, Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng TP.HCM, cho biết lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát trái phép là rất lớn. Do đó, các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi, hành vi manh động để khai thác, vận chuyển cát trái phép và đối phó với sự kiểm tra của các lực lượng chức năng.

Theo Đại tá Út, trên vùng biển TP.HCM hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép diễn ra phức tạp, tập trung tại khu vực Cồn Ngựa vùng biển Cần Giờ. “Điển hình qua bài báo phản ánh số ngày 22-11 “Tái diễn nạn sa tặc lộng hành trên biển Cần Giờ” của báoPháp Luật TP.HCM đã thấy rõ hơn tình trạng khai thác cát trái phép” - ông Út nói.

Ông Út cho biết những đối tượng này thường tổ chức hoạt động vào ban đêm, quá trình hoạt động luôn có lực lượng cảnh giới. Khi phát hiện có phương tiện của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, chúng thông báo cho các đối tượng đang khai thác cát trái phép rút vòi bơm, xả cát xuống biển và chạy trốn.

Mặt khác, Đại tá Tô Danh Út cho hay hiện tại việc đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn gặp phải một số khó khăn như các đối tượng, phương tiện vi phạm không cư trú, neo đậu tại các bến bãi do Bộ đội biên phòng TP quản lý (tập trung chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu). Do đó khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động.

“TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đã có quy chế phối hợp trong đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, nhất là đơn vị bộ đội biên phòng các tỉnh, thành chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao” - ông Út đánh giá.

Bên cạnh đó, Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng nêu lên những vướng mắc như hoạt động mua bán cát trái phép hoạt động tại địa bàn ngoài tỉnh. Sau đó các đối tượng mới vận chuyển về địa bàn để bán cho các dự án nên công tác điều tra, xác minh còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các vụ việc chủ yếu là xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm, tịch thu tang vật chứ chưa đủ sức răn đe.

Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, nhận định: Đấu tranh với tội phạm trên còn rất gian nan. Tuy nhiên, theo ông Sơn, dù các đối tượng khai thác cát hoạt động lén lút vào ban đêm thì lượng cát ấy cũng phải lên bờ. “Nếu lực lượng địa phương nắm bắt tình hình tốt thì không cần ra biển bắt các trường hợp khai thác cát trái phép nữa” - Đại tá Sơn góp ý.

Tàu sa tặc buông vòi hút cát dưới lòng biển Cần Giờ. Ảnh: N.YÊN

Không loại trừ tiêu cực

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết để thực hiện quy chế phối hợp giữa các địa phương thì khi phát hiện có trường hợp khai thác cát trái phép, các địa phương sẽ thực hiện vừa truy đuổi vừa tiếp tục thông tin với tỉnh bạn để cùng phối hợp truy đuổi. Nếu bắt được đối tượng thì chờ cơ quan quản lý của địa phương cùng phối hợp lập biên bản. Sau đó hồ sơ vi phạm trên địa bàn nào thì sẽ giao cho địa bàn đó xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương hoạt động không loại trừ những trường hợp tiêu cực. Vì những đối tượng xuất hiện vào đêm khuya nếu có sự tiếp tay của bộ phận ở địa phương rất là khó khăn.

Để kế hoạch phối hợp triển khai có hiệu quả, ông Phong cho rằng các đơn vị cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 03 của Thủ tướng về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời, ông Phong đề nghị các sở, ngành liên quan và lực lượng chức năng của tỉnh cùng chung tay vào cuộc với TP nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống, ngăn chặn tình trạng khai thác, khoáng sản trái phép.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Bộ đội biên phòng TP và các tỉnh tích cực, chủ động, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát tốt tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trong thời gian tới.

Cạnh đó, ông Phong yêu cầu phát huy trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, chỉ huy các cấp làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia đấu tranh, xử lý hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép. Quản lý tốt nội bộ không để cho cán bộ, chiến sĩ tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động trái phép. Nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực phải kiên quyết xử lý nghiêm minh và kịp thời.

Ngoài ra, ông Phong đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía Nam và sở, ngành TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện chốt kiểm soát trên biển nhằm khẩn trương đưa vào sử dụng, đảm bảo công tắc nắm bắt tình hình trên biển và phát hiện, xử lý mọi hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật trên vùng biển TP.

Ký kết kế hoạch hợp tác trị sa tặc

Tại hội nghị, các đơn vị đã cùng ký kết kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng, chống, khai thác vận chuyển khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh TP với các tỉnh lân cận.

Theo đó, biện pháp và trách nhiệm phối hợp của kế hoạch là trao đổi, cung cấp và thông báo thông tin tình hình về nội dung kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành. Cách cung cấp thông tin thông qua hình thức trực tiếp, gửi văn bản… Trong trường hợp đột xuất, tình huống phức tạp xảy ra, các đơn vị thông báo cho nhau bằng điện thoại để chủ động phối hợp, xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm