Mong muốn của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Phú Yên

Sau loạt bài Đánh thức các dự án ở Phú Yên đăng trên Pháp Luật TP.HCM từ ngày 13 đến 18-12, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đầu tư và có nhu cầu đầu tư vào Phú Yên đã bày tỏ nguyện vọng tiếp tục đầu tư kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Cùng với đó, các DN cũng có những kiến nghị, đề xuất, góp ý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi hơn cho DN làm ăn tại tỉnh này.

Giải quyết “nút thắt” bồi thường giải phóng mặt bằng

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có 260 dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, trong đó 53 dự án đang chậm tiến độ, thậm chí bế tắc không thể triển khai do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Dự án khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort tại thị xã Sông Cầu chậm tiến độ do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh: VŨ CƯỜNG

Dự án khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort ở thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu là một ví dụ điển hình. Theo ông Phạm Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort (chủ đầu tư dự án), quá trình bắt tay vào thực hiện dự án, vướng mắc lớn nhất là việc thỏa thuận với người dân để bồi thường GPMB. Nguyên nhân là giữa người dân và DN chưa có tiếng nói chung. Nhiều bà con đòi giá bồi thường quá cao; các thành viên trong gia đình mâu thuẫn; pháp lý thửa đất không rõ ràng…

“Thực tế trên gây khó khăn cho chúng tôi trong việc lập kế hoạch thực hiện dự án, không biết khi nào có thể khởi công. Các chi phí chúng tôi đã thực hiện khá lớn nhưng chỉ vì vài thửa đất nhỏ vướng mắc mà giấy phép xây dựng và khởi công công trình bị ách lại” - ông Đăng nói.

Theo đó, ông Đăng mong chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ tối đa, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục và pháp lý; hỗ trợ việc tuyên truyền, vận động người dân để dự án sớm được triển khai.

Không chỉ dự án đầu tư kinh doanh mà đối với các dự án đầu tư công tại Phú Yên cũng “đứng hình” vì bồi thường dang dở. Ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, dẫn chứng dự án đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Hùng Vương đến Nguyễn Trãi) do UBND TP Tuy Hòa làm chủ đầu tư. Năm 2015, TP Tuy Hòa ký hợp đồng xây dựng - chuyển giao với Công ty TNHH Đầu tư BT Hồng Phúc thi công.

Sáu năm qua, tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành để bàn giao cho TP vì vướng một số hộ gia đình không chịu giá bồi thường. Thực trạng này kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, uy tín của công ty thi công và gây khó cho chính quyền trong công tác xử lý.

Theo ông Huy, bên cạnh việc người dân không chịu thỏa thuận giá cả bồi thường thì còn vướng các vấn đề liên quan đến Luật Đất đai khiến việc thỏa thuận kéo dài. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án đầu tư công và đầu tư sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn của tư nhân.

“Tôi kiến nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu lại các luật, quy định để cơ chế thông thoáng hơn trong việc bồi thường GPMB khi thực hiện các dự án. Đối với các tỉnh, bên cạnh việc dựa vào luật, quy định thì cần xây dựng kế hoạch, giải pháp làm sao linh hoạt và đảm bảo được quyền lợi giữa ba bên: Người dân - DN - Nhà nước” - ông Huy đề nghị.

Cần gỡ vướng giao đất, cho thuê đất tại cụm công nghiệp

Bà Hồ Thị Xuân Trang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Green Vision Việt Nam, là DN đã ba năm xin thuê đất để xây dựng nhà máy trong cụm công nghiệp (CCN) Tam Giang mở rộng thuộc huyện Tuy An nhưng không được.

Hồ sơ của công ty này đã được sở, ban, ngành, địa phương thống nhất đề xuất thực hiện đầu tư dự án. Tuy nhiên, Sở TN&MT vẫn chưa hướng dẫn thủ tục xin thuê đất cho nhà đầu tư, do vướng mắc liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại CCN. Chính vì thế, công ty vẫn chưa thực hiện được thủ tục xin thuê đất.

“Chúng tôi không đủ điều kiện để thuê đất trực tiếp tại CCN do Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước chỉ giao đất và cho thuê đất đối với các tổ chức đầu tư, xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, CCN. Trong khi nhu cầu của chúng tôi chỉ muốn xây dựng nhà máy. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần thống nhất các quy định để DN sớm đầu tư vào CCN để hoạt động sản xuất, phát triển” - bà Trang nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội DN tỉnh Phú Yên, cho biết thời gian qua, DN vừa, nhỏ tại Phú Yên có nhu cầu thuê đất trong các CCN tại Phú Yên để hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn nhưng đều không thể làm được vì vướng các quy định mà DN vừa và nhỏ không thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, các huyện đều có quy hoạch CCN và kêu gọi công ty đầu tư hạ tầng để rồi cho thuê lại nhưng không có nhà đầu tư. Chính vì vậy, tình trạng các khu vực quy hoạch CCN vẫn bỏ hoang nhiều năm. Điều này gây lãng phí đất đai, địa phương mất cơ hội đón các nhà đầu tư, DN.

“Nếu CCN tại các huyện có nhà máy sản xuất sẽ giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy quá trình tiêu thụ nông sản và định canh, thâm canh của người dân. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn Phú Yên. Tôi đề xuất nên sớm chỉnh sửa các quy định để phù hợp, thống nhất tạo điều kiện cho các CCN tại địa phương hoạt động hiệu quả hơn” - ông Thọ nói.•

 

Các doanh nghiệp khao khát đất sạch

Theo ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Phú Yên, trong thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư lớn tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư vào Phú Yên. Nhiều DN mong muốn đầu tư những dự án có quy mô hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều ngán ngại vấn đề bồi thường GPMB.

“Các DN lớn đều khao khát đất sạch, mặt bằng sạch. Có quỹ đất sạch, có nhà đầu tư lớn thì Phú Yên mới có các dự án xứng tầm và tạo động lực phát triển cho cả tỉnh” - ông Châu nói.

Việc Chính phủ đang chuẩn bị đề án thí điểm tách bồi thường ra khỏi dự án đầu tư thành dự án độc lập, theo ông Châu là rất cần thiết, mở ra thêm một cơ chế để các địa phương thu hồi đất, phục vụ cho việc phát triển đô thị.

“Đó là một hướng đi cần thiết nhưng để thực hiện được việc này, các nhà làm chính sách cần phải tính toán kỹ bài toán hài hòa lợi ích giữa người dân - DN - Nhà nước” - ông Châu nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm