Nâng đường rồi nâng hẻm, dân kêu khổ

Sau khi tuyến đường Kinh Dương Vương vừa hoàn thành nâng cao mặt đường đầu năm 2017, 44 tuyến hẻm xương cá cắt ngang tuyến đường này lại rơi vào tình trạng ngập khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. UBND quận Bình Tân (TP.HCM) đang phải cho nâng một số tuyến hẻm ngập nặng để bước đầu ổn định sinh hoạt của người dân.

Nâng hẻm, thêm một lần khổ

Tại hẻm 582 Kinh Dương Vương, ông Nguyễn Văn Dũng, cư dân tại đây, cho biết cách đây khoảng hai tháng phường cho họp dân bàn việc nâng hẻm cao bằng đường Kinh Dương Vương để giải quyết tình trạng ngập hẻm. Đến nay đường đã rải xong phần đá sỏi, chưa đổ bê tông nhưng hẻm đã cao hơn nhà ông cả mét. “Từ khi nâng hẻm, xe máy của chúng tôi đều phải dựng bên ngoài vì không dắt vào nhà được. Buổi tối phải mang xe đi gửi ở bãi với giá 300.000 đồng/xe/tháng. Nhà tôi có đến bốn chiếc thì tốn hơn cả triệu bạc. Muốn không gửi xe thì phải sửa nhà nhưng giờ lấy đâu ra tiền. Thiệt là quá khổ!” - ông Dũng than.

Hộ ông Nguyễn Minh Quang cũng đồng cảnh ngộ. Vợ chồng ông đã lớn tuổi, mỗi khi muốn ra khỏi nhà thì phải dùng ghế mới leo lên được. Ông Quang chia sẻ: “Nâng đường thì hẻm ngập, nay nâng hẻm thì nhà ngập. Vợ chồng già chúng tôi cứ thấy mưa là lo ngay ngáy”.

Tại hẻm 687 Kinh Dương Vương, nhiều người dân phản ứng khá gay gắt về tình trạng hẻm bị ngập sau khi nâng đường. Mới đây, UBND quận Bình Tân bắt đầu thi công nâng hẻm này. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương phản ánh: “Từ lúc bắt đầu các đợt mưa trái mùa đến nay, hẻm này ngập liên tục, ngập sâu nhất là gần đến thắt lưng. Thương nhất là vào giờ tan tầm, phụ huynh đón con đi học về rất cực. Nhiều cháu tan trường té xe ướt hết cả áo quần...”. Riêng hẻm 624 Kinh Dương Vương vừa được nâng cao và đổ bê tông. Người dân sống tại đây cho biết lo sợ khi mưa lớn thì nước tràn vào nhà.

Vợ ông Nguyễn Minh Quang đã lớn tuổi, mỗi lần ra khỏi nhà phải bắc ghế như thế này. Ảnh: LÊ THOA

Chờ lắp máy bơm cho toàn khu vực

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết sau khi đường Kinh Dương Vương được nâng cao thì hàng loạt tuyến hẻm bị ngập, gây nhiều khó khăn cho việc sinh hoạt và kinh doanh của bà con. Do vậy, quận đang tiến hành nâng ba tuyến hẻm 582, 624 và 687. “Trước khi tiến hành nâng hẻm, quận đã mời các hộ dân có liên quan lên họp. Đa số người dân đều đề nghị nâng hẻm để chống ngập trước, sau đó mọi người chấp nhận nâng, sửa chữa nhà sau. Vì vậy, quận đã quyết định nâng tạm thời ba tuyến này lên hơn 1 m” - vị lãnh đạo quận Bình Tân cho biết.

Theo vị này, trước mắt quận chỉ nâng ba tuyến này. Hiện quận Bình Tân đang đợi trung tâm chống ngập TP lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng (ở phường An Lạc) để chống ngập cho toàn khu vực như đơn vị này đã hứa, trong đó có đường Kinh Dương Vương cùng 44 tuyến hẻm xương cá. Lãnh đạo quận Bình Tân khẳng định: “Quận sẽ gửi văn bản lên TP báo cáo tình trạng này, cũng như kiến nghị TP nhanh chóng lắp đặt trạm bơm này để giải quyết tận gốc vấn đề ngập cho khu vực và đặc biệt là các tuyến hẻm”.

Đề nghị hỗ trợ 5,2 tỉ đồng cho dân

Ngày 13-7, UBND quận Bình Tân cho biết vừa qua quận đã thống kê thiệt hại và đề xuất mức hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương. Với mục đích tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân dọc đường Kinh Dương Vương có khả năng sửa chữa, nâng cấp nhà ở để đảm bảo việc sinh hoạt, kinh doanh, UBND quận Bình Tân đã kiến nghị Sở TN&MT TP xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nâng nền nhà ở cho các hộ dân dọc đường này. Theo đó, tổng hộ dân được đề nghị hỗ trợ là 330 hộ (254 hộ thuộc phường An Lạc, 76 hộ thuộc phường An Lạc A) với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 5,2 tỉ đồng.

Vị đại diện UBND quận Bình Tân cho biết đối với các hộ phải nâng nền từ 0,5 m trở lên thì được hỗ trợ với mức giá san lấp 110.000 đồng/m3. Còn các hộ nâng dưới 0,5 m thì được vận động tự chịu kinh phí sửa chữa. Hiện TP vẫn chưa phê duyệt phương án hỗ trợ này.

____________________________

500 là tổng hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo và thoát nước đường Kinh Dương Vương, đoạn từ vòng xoay Mũi Tàu đến vòng xoay An Lạc (hoàn thành đầu năm 2017).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm