Ngậm đắng vì mua lầm nhà đất

Đó là phản ánh của nhiều luật sư, công chứng viên tại buổi đối thoại mới đây giữa lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh với các văn phòng công chứng (VPCC), văn phòng luật sư (VPLS) và thừa phát lại trên địa bàn.

Hết quy hoạch nhưng mua bán vẫn khó

Trưởng VPCC An Lạc, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, thắc mắc thời hạn sử dụng đất nông nghiệp tính từ khi nào, lúc có quyết định giao đất hay là khi được cấp giấy. “Có trường hợp hai mốc thời gian này lệch nhau ba năm, nếu theo quyết định giao đất thì đã hết thời hạn nhưng theo giấy chứng nhận (GCN) thì vẫn còn và giao dịch được” - bà cho biết.

Ngoài ra, GCN chỉ ghi năm hết thời hạn sử dụng, vậy được hiểu là ngày đầu năm hay đến hết năm. Điều kiện để nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp được các công chứng viên và LS cho là gặp nhiều khó khăn, bất hợp lý. “Khu đất nông nghiệp đã quy hoạch làm đường dự phóng, thế nhưng người mua vẫn phải thỏa điều kiện của người mua đất nông nghiệp là đang sử dụng đất nông nghiệp” - bà Lệ góp ý. Ngoài ra, việc xác định hộ gia đình, thành viên nào trong hộ khẩu được tham gia khi ký chuyển nhượng đất nông nghiệp cũng lúng túng.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó phòng TN&MT huyện Bình Chánh, nhìn nhận điều kiện của người được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp có nhiều vướng mắc. “Theo quy định hiện nay, hộ gia đình cá nhân này phải được xác nhận là đang sử dụng đất nông nghiệp và có thu nhập ổn định từ việc sử dụng đất nông nghiệp. Giả sử người này hộ khẩu một nơi, đất nông nghiệp một nẻo thì phải có cả hai địa phương xác nhận thì mới được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp” - bà cho biết.

Người dân mong thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh cần sớm được rõ ràng. Ảnh: HTD

Mua lầm nhà đất do không có thông tin

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ phản ánh thêm do không có thông tin về việc thu hồi đất nên xảy ra trường hợp công chứng viên chứng nhận các giao dịch về nhà, đất khi đã có quyết định thu hồi. Bà Lệ cho biết trước khi chứng nhận, VPCC kiểm tra thông tin trên mạng của Sở Tư pháp nhưng không thấy thông tin nhà đất này bị thu hồi đất nên công chứng viên ký công chứng cho hai bên mua bán. Tuy nhiên, đến khi đăng bộ sang tên thì người mua mới biết thông tin tài sản này đã có quyết định thu hồi. “Họ quay lại hỏi khiến tôi thấy rất đau lòng. Chúng tôi cố gắng giải quyết bằng cách hòa giải các bên và cũng may là thành công nhưng rất không muốn sự việc này lặp lại” - bà bày tỏ.

Bà Lệ cho hay sau khi có phản ánh của bên mua, VPCC kiểm tra lại và nhận thấy có trường hợp được cập nhật, có trường hợp chưa. Bà Lệ cho rằng có thể tại thời điểm ký công chứng rơi vào giai đoạn huyện chưa kịp gửi thông tin để Sở Tư pháp cập nhật thông tin.

Ông Lâm Tấn Trí, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bình Chánh, cho hay từ sau năm 2015 tất cả quyết định thu hồi đất ở huyện đều gửi Sở Tư pháp nhưng giai đoạn trước đó thì chưa gửi hết và những trường hợp bị sót lọt thông tin có thể rơi vào giai đoạn này. “Việc gửi chậm hoặc chưa gửi thông tin cho Sở cập nhật dẫn đến cơ quan công chứng lẫn người mua không biết thông tin, gây ra thiệt thòi cho người mua và dễ dẫn đến tranh chấp khiếu nại” - ông lưu ý.

Đất có giấy đỏ mà mua bán giấy tay: Chờ

Một LS đề nghị huyện cho biết vì sao không nhận hồ sơ cấp GCN cho người mua nhà đất bằng giấy tay trước ngày 1-1-2008 theo Nghị định 01/2017 mà phải chờ thông tư hướng dẫn.

Vị này cũng đề nghị huyện nên niêm yết thủ tục hành chính cho trường hợp này để người dân biết cách thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó phòng TN&MT huyện Bình Chánh, giải thích Nghị định 01 quy định cấp GCN cho nhà đất mua bán giấy tay trước ngày 1-1-2008 nếu đất đó chưa từng được cấp giấy. “Với trường hợp đất đã có GCN thì người xin cấp GCN phải nộp GCN cũ để thu hồi. Trường hợp không có GCN của chủ cũ, cơ quan chức năng không có quyền tự hủy bỏ. Do đó chưa thể nhận hồ sơ trường hợp này” - bà Thảo giải thích. Bà Thảo cho hay việc cấp GCN nhà đất mua bán giấy tay không phải mới, thủ tục đã được niêm yết từ lâu và không có gì thay đổi.

Đại diện VPLS Quý và cộng sự, ông Trần Đức, hỏi về việc cấp phép xây dựng cho trường hợp đất ở có mục đích “hỗn hợp”, “khu dân cư xây dựng mới”. Ông cho biết hiện nay huyện Bình Chánh không giải quyết cấp phép tạm cho người dân dù nhà ở của họ đã xuống cấp, họ cũng cam kết tự nguyện tháo dỡ sau này. “Chủ trương này chưa hợp tình hợp lý, không được cấp phép thì người dân sẽ tìm cách xây, sửa nhà trái phép” - ông bày tỏ. Trong khi đó tại các quận khác vẫn cấp phép cho trường hợp này. Đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh cho biết huyện đang chờ quyết định mới thay thế Quyết định 27 về cấp phép xây dựng.

Cần tìm hiểu, nghiên cứu thêm

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ông Trần Phú Lữ, cho rằng nếu trường hợp pháp lý tương tự mà các quận/huyện khác thực hiện trong khi huyện Bình Chánh thì không (như việc cấp phép cho đất ở có chức năng hỗn hợp, xây dựng mới và việc ghép hai thủ tục hành chính vào một lần giải quyết như vừa tách thửa vừa chuyển nhượng…) thì các phòng ban cần tìm hiểu, nghiên cứu thêm. “Nếu việc giải quyết không trái luật mà thuận lợi cho dân thì phải thực hiện” - ông nhắc nhở.

Văn phòng thừa phát lại huyện Bình Chánh thông tin trên địa bàn huyện Bình Chánh, đặc biệt hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có rất nhiều VPLS, công ty nhà đất đăng bảng quảng cáo làm luôn công việc của thừa phát lại mà chưa bị xử lý. Có mặt tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết Thanh tra Sở đang thanh tra việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm