Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất nên để doanh nghiệp nào đầu tư ?

“Hiện nay hàng không đang tắc nghẽn cục bộ, điển hình sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến tắc nghẽn ở các sân bay khác... Điều cần phải bàn là chủ trương “giải cứu” Tân Sơn Nhất có ba năm, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa quyết cho ai đầu tư nhà ga T3” - Ông Lại Xuân Thanh Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đưa dẫn chứng như trên về bất cập trong giải quyết điểm nghẽn hàng không tại tọa đàm xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, diễn ra chiều 16-5.

Hội nghị tranh luận về những điểm nghẽn trong quá trình đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Thanh cho rằng, điểm nghẽn "giải cứu" một số sân bay nằm ở pháp luật. Cụ thể, chỉ một câu chuyện là để thông qua chủ trương đầu tư thì phải trình ai và ai trình. Điển hình sân bay Tân Sơn Nhất, đến nay vẫn loay hoay giao cho ai làm chủ đầu tư.

“Việc đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất không khác gì chuyện tôi đi lấy vợ, lập kế hoạch sinh con nhưng ông khác nhảy vào đòi thực hiện, vậy có ổn không?”, ông Thanh đặt câu hỏi và cho rằng hiện nay doanh nghiệp Nhà nước đang phải “gánh” những công việc khó như đầu tư đường băng, sân đỗ… trong khi nhà ga hành khách có khả năng đưa về lợi nhuận cao thì không được giao.

Xã hội hóa là một chủ trương lớn và chúng tôi tán thành nhưng phải bình đẳng chứ không phải làm teo tóp doanh nghiệp nhà nước đi”, ông Thanh nhấn mạnh.

Vị chủ tịch HĐTV ACV cũng khẳng định không phải tư nhân xây sân bay nhanh hơn ACV, vì đơn vị có kinh nghiệm, có năng lực và giải ngân nhanh... Doanh nghiệp bảo xây sân bay Tân Sơn Nhất mất một năm, nhưng 1 năm có đảm bảo an toàn ?

"Sân bay Vân Đồn xây xong mất 27 tháng. Nếu giao chúng tôi xây nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, với 20 triệu hành khách/năm theo kế hoạch chỉ mất 24 tháng”, ông Thanh nói.

Ngoài ra, ông Thanh cho rằng nếu doanh nghiệp muốn đầu tư T3 phải đầu tư đồng bộ và quản lý hết như sân bay Vân Đồn.

Đáp lại, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho rằng nếu giao cho đơn vị làm T3 khó có thể giải quyết được ách tắc. Nhưng nếu như bây giờ TP.HCM giao cho Bamboo Airways mặt bằng sạch đơn vị sẵn sàng đầu tư và làm hoàn thiện giống như sân bay Vân Đồn.

Bàn về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban dân nguyện của Quốc hội, cho rằng trước hết, nhà nước nên xác định quan điểm rõ Nhà nước không đi kiếm tiền mà phải tạo ra môi trường cho doanh nghiệp kiếm tiền. Tư duy Nhà nước làm tiền dẫn tới 12 dự án thua lỗ và giờ đang phải giải quyết. Nhà nước luôn phải phúc đáp nhu cầu doanh nghiệp, không thể hạn chế doanh nghiệp vì chưa đủ năng lực quản lý.

Ông Nhưỡng khẳng định vấn đề vướng hiện nay không phải là luật mà là lợi ích. Ví dụ, về thừa phát lại, trước đây cũng e ngại, nhưng chứng minh cho thấy tháo gỡ xong xã hội đã phát triển. “Nói vậy để thấy, không thể cứ mãi phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà phải là “doanh nghiệp Việt Nam””, ông Nhưỡng bày tỏ rõ quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng quá trình gia nhập thị trường của các hãng hàng không vẫn rất khó khăn, thậm chí phi lý. Cụ thể, vừa qua có người cho rằng vì hạn chế về đường băng mà hạn chế doanh nghiệp không được mở rộng là cách nói không hợp lý, kìm hãm sự phát triển

“Thay vì phải tìm cách giải quyết vấn đề tồn tại thì các cơ quan quản lý lại không cho phép doanh nghiệp làm, tìm cách hạn chế. Tư duy và cách làm này là kìm hãm sự phát triển…”, ông Cung nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại tọa đàm, nhiều đại biểu cũng cho rằng Nhà nước nên tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu chậm phát triển hạ tầng đồng nghĩa với việc hạn chế các hãng hàng không phát triển từ đó kìm hãm sự phát triển chung của cả nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm