Nhiều ý tưởng khai thác dịch vụ ven sông Sài Gòn

Sở QH-KT TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP về ý tưởng khai thác dịch vụ ven sông, trước mắt là cho khu vực ven sông Sài Gòn đi qua khu trung tâm TP. 
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có quy hoạch bờ sông rồi mới tính tới việc khai thác kinh tế.
Ưu tiên triển khai khu trung tâm 
Theo báo cáo tiến độ triển khai đề án “phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông 2020-2045 và kế hoạch triển khai 2020-2025” của Sở QH-KT gửi UBND TP thì sông Sài Gòn được chia thành hai phân vùng (theo không gian kiến trúc) là thượng lưu và trung lưu - hạ lưu. 
“Sông Sài Gòn đi qua khu trung tâm hiện hữu, lịch sử là khu vực có nhiều hoạt động thương mại dịch vụ và có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông” - ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP, nêu trong văn bản.
Vì vậy, Sở QH-KT cho rằng khu vực này cần được ưu tiên triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 nhằm xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Các cơ sở hạ tầng này gồm bờ kè sông, cầu cảng bến thủy, các tuyến đi bộ, xe đạp, bến bãi trung chuyển, kết nối không gian mở công viên cây xanh và quảng trường đô thị. 
Theo sở, định hướng của đề án sẽ là từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ, xây dựng hoàn thiện chuỗi không gian đô thị dọc bờ sông. Chuỗi không gian này sẽ có đặc trưng, bản sắc đô thị sông nước, có sức hấp dẫn, thân thiện với môi trường.
Đồng thời không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng cũng được tổ chức nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Đề án cũng đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài Gòn.

Sở QH-KT đưa ra nhiều ý tưởng khai thác dịch vụ ven sông Sài Gòn. 
Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần phải có quy hoạch bờ sông trước 

“Theo tôi, trước khi tính tới khai thác dịch vụ ven sông thì cần phải có quy hoạch ven bờ sông Sài Gòn trước” - KTS Ngô Viết Nam Sơn trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Theo ông Sơn, khu vực ven sông - kênh rạch nên ưu tiên cho không gian công cộng vì TP hiện rất thiếu, sau đó mới tính tới việc khai thác dịch vụ. “Trong các dịch vụ thì có thể kể đến dịch vụ về giao thông, bến xe, bãi xe…, rồi kế đến là dịch vụ thương mại. Dịch vụ thương mại chỉ nên góp phần làm sinh động không gian ven sông ở những vị trí thích hợp” - KTS Nam Sơn phân tích. 
Ngoài ra, ông Sơn lưu ý sau khi có quy hoạch ven sông, các tuyến đường ven sông sẽ được hình thành. Khi có các tuyến đường đó mới có tính tới khai thác dịch vụ là các công trình có đảm bảo chiều cao, kiến trúc đô thị… “Bên cạnh đó, cần phải làm song song bài toán trả lại hành lang ven sông Sài Gòn (nhiều nơi đang bị lấn chiếm) và quy hoạch bờ sông để việc khai thác tốt hơn” - ông Sơn nói.
KTS Ngô Anh Vũ (Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM) cho rằng: Với khoảng cách 100-200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc chiều dài khoảng 80 km, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn thì TP sẽ có diện tích khoảng 3.100-5.000 ha. 
“Như vậy, diện tích phần đất thuộc hai bên kè sông tương đương diện tích của quận Tân Phú hoặc quận 7, đảm bảo đủ để quy hoạch bất kỳ một chức năng sử dụng nào” - ông Vũ đánh giá.
ÔngVũ tính toán ngoài phần diện tích cho cây xanh, dành khoảng 20% cho giao thông, 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, chúng ta sẽ có 220-600 ha để xây dựng các công trình (bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ…). 
“Đó là chưa kể các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động và đậu xe” - ông Vũ nêu quan điểm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thì cho rằng để khai thác tiềm năng kinh tế quỹ đất ven sông cần phải lưu ý ba vấn đề:
Thứ nhất: Phải có quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch (bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng), đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn.
Thứ hai: Cần xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông để thực hiện thống nhất. 
Thứ ba: Cần thực hiện phương thức đầu tư xã hội hóa, đối tác công-tư… để huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia.•
Kế hoạch khai thác bờ sông giai đoạn 2025-2045
Trong đề án “phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông 2020-2045 và kế hoạch triển khai 2020-2025” của Sở QH-KT, sở này cho hay: 
Giai đoạn 2025-2045 sẽ triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực. Từ đó, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.
Trong giai đoạn này cũng hoàn chỉnh các công cụ quản lý đồng bộ dọc theo lưu vực sông. Đồng thời nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng đảm bảo lợi ích chung của TP và liên vùng. Song song, khuyến khích sự tham gia của đa dạng các nguồn lực xã hội, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển liên vùng.
Sau đó, ứng dụng nhân rộng cách làm trên phạm vi toàn TP.HCM và vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm