Ông Đoàn Ngọc Hải đối thoại với dân chung cư Cô Giang

Chiều 21-7, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), đối thoại với 200 người dân chung cư Cô Giang về những bức xúc trong vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bà Lê Thị Hạnh (66 tuổi) cho biết ngày trước có căn hộ 24 m2 tại Cô Giang. Khi thành phố chủ trương chỉnh trang đô thị, giải tỏa khu chung cư cũ nát này, bà là một trong những hộ đầu tiên rời đi. Năm 2011, bà nhận đền bù hơn 822 triệu đồng nhưng sáu năm sau, căn hộ cùng diện tích lại được đền bù hơn 2 tỉ đồng.

"Như vậy là quá chênh lệch, không công bằng. Chúng tôi chấp hành chủ trương nhà nước, đi trước nhưng chịu thiệt. Những hộ đi sau, họ chây ỳ, làm dự án kéo dài lại được mức tiền cao hơn" - bà Hạnh nói.

Còn ông Bùi Văn Sơn có căn hộ 36 m2, mức bồi thường ông nhận được khi di dời năm 2011 là hơn 1 tỉ đồng. Nghe những người đi sau nhận hơn 2 tỉ đồng cho căn cùng diện tích nên ông cũng rất bức xúc. "Tôi thấy mình chịu thiệt quá nhiều, cả việc đi sớm để được nhận khoản thưởng 50 triệu đồng từ chủ đầu tư nhưng cuối cùng vướng thủ tục không nhận được. Biết việc bồi thường thế này gia đình tôi ở lại không đi rồi" - ông Sơn phát biểu.

Những hộ di dời giai đoạn trước hiện phần lớn ra các quận vùng ven sinh sống. Khi nghe thông tin những hộ đi sau được đền bù nhiều hơn, họ tập trung lại gửi đơn thư lên nhiều cấp chính quyền để phản ứng.

Người dân Cô Giang cho rằng khung giá bồi thường thì không thay đổi nhưng để đẩy nhanh việc giải tỏa, chủ đầu tư đã "đi đêm" với những hộ chây ỳ. "Tiền đã nhận, nhà giờ cũng đã đập, chúng tôi không có cơ sở pháp lý gì nhưng lên đây gặp chính quyền, chủ đầu tư với mong muốn được chi trả thêm bởi mức cũ quá thấp trong khi mình là người chấp nhận đi trước" - một hộ dân nói.

ong-doan-ngoc-hai-doi-thoai-voi-200-dan-chung-cu-co-giang-1

Ông Đoàn Ngọc Hải tại buổi đối thoại. Ảnh: DUY TRẦN

Trước nhiều ý kiến bức xúc của người dân, ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng dự án kéo dài hơn 10 năm khiến mức bồi thường không công bằng giữa người trước, người sau là một phần lỗi của chính quyền. Ông Hải thay mặt quận 1 xin lỗi người dân.

"Ngay ban đầu nếu giải quyết rốt ráo, ai như nấy, ra đi hết một lượt thì không có hôm nay rồi. Trong chuyện này, theo tôi biết ngay cả nhà đầu tư họ cũng thiệt hại nặng do lãi ngân hàng vì dự án kéo dài. Tôi cũng thay mặt lãnh đạo quận xin lỗi chủ đầu tư" - ông Hải nói.

Về mức giá bồi thường cho những người đi sau cao hơn người đi trước, ông Hải cho rằng vấn đề này là chuyện thỏa thuận của nhà đầu tư với từng hộ dân, chính quyền không được can thiệp.

"Chính quyền đưa ra khung giá bồi thường theo vị trí của căn hộ. Việc hỗ trợ thêm là việc phát sinh trong quá trình nhà đầu tư thỏa thuận với người dân. Có nhà đầu tư ở đây, họ xem xét có thể hỗ trợ thêm cho bà con được không chứ chính quyền không chi ngân sách để giải quyết" - ông Hải phân tích.

Đại diện chủ đầu tư sau đó xin ghi nhận ý kiến của người dân Cô Giang về trình lãnh đạo để xem xét, hẹn một tháng sau có câu trả lời.

ong-doan-ngoc-hai-doi-thoai-voi-200-dan-chung-cu-co-giang-2

Chung cư Cô Giang hiện giải tỏa xong. Ảnh: DUY TRẦN

Khu vực chung cư Cô Giang có 750 căn hộ, 134 nhà phố liền kề nằm rải rác theo các con hẻm. Hiện tất cả đã tháo dỡ xong, trừ một căn nhà của công ty tạp phẩm nhà nước chưa chịu bàn giao. Quận 1 có kế hoạch cưỡng chế căn nhà cuối cùng này ngày 10-8.

Năm 2006, UBND TP.HCM chủ trương đầu tư khu căn hộ và trung tâm thương mại tại đây với quy mô 1,4 ha, gồm 30 tầng, 1.092 căn hộ. Trong đó, gần 300 căn phục vụ cho tái định cư tại chỗ. Tổng chi phí bồi thường được phê duyệt hơn 1.500 tỉ đồng.

Chung cư Cô Giang được xây năm 1968. Theo kết quả kiểm định của cơ quan chức năng, chung cư bị hư hỏng, có thể sập bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Cư dân tại đây nhiều lần tập trung hàng trăm người lên UBND quận 1 phản đối việc giải tỏa vì mức bồi thường không hợp lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm