Phải nộp tiền khi chưa được sử dụng mặt biển: 5 năm vẫn rối

Mới đây, đoàn công tác của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đến Cà Mau để kiểm tra thực địa tình hình sử dụng khu vực biển các dự án điện gió. Tại buổi kiểm tra, Công ty TNHH XD-TM-DL Công Lý, chủ đầu tư dự án điện gió Khai Long, tiếp tục kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc chưa được giao khu vực mặt biển cho thuê làm dự án điện gió nhưng vẫn buộc phải đóng thuế.

Chưa sử dụng vẫn phải đóng thuế

Cụ thể, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, khẳng định với đoàn công tác chưa bao giờ công ty xin miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Tuy nhiên, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính lại có các văn bản phúc đáp với nội dung không chấp nhận miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển đối với công ty.

“Vấn đề của chúng tôi là yêu cầu không thu tiền khu vực biển vì chúng tôi chưa được phép sử dụng và thực tế chưa sử dụng thì làm sao mà nộp tiền. Chúng tôi không xin miễn, giảm” - ông Dân nói.

Công ty Công Lý vẫn chưa sử dụng khu vực biển được giao từ năm 2016
đến nay. Ảnh: TRẦN VŨ

Yêu cầu nhiều năm qua của Công ty Công Lý là việc Bộ TN&MT ban hành quyết định (QĐ) giao khu vực biển cho công ty nhưng kèm điều kiện khó khiến công ty không thể sử dụng khu vực biển đã được giao. Cụ thể, QĐ 2115/2016 của bộ trưởng Bộ TN&MT nêu: “Trước khi tiến hành sử dụng khu vực biển phải báo cáo Bộ TN&MT kiểm tra thực địa tại khu vực biển được sử dụng”.

“Biên phòng cũng xác định không nắm được chính xác khu vực biển đã được giao cho chúng tôi, chỉ áng chừng tương đối. Các ngân hàng, tổ chức, cá nhân liên quan khi xem QĐ 2115 cũng đề nghị chúng tôi phải cung cấp biên bản kiểm tra thực địa thì mới chấp nhận các giao dịch, đàm phán tiếp theo. Từ đó, hơn năm năm qua, chúng tôi không thể nào sử dụng được khu vực biển được giao” - ông Dân nói.

Rối ở cụm từ “báo cáo bộ kiểm tra thực địa”

Tham gia buổi làm việc với tư cách giám sát các vấn đề của doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ câu từ chưa rõ ràng trong QĐ giao khu vực biển làm dự án điện gió cho Công ty Công Lý.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 2 QĐ 2115, ai cũng hiểu là Công ty Công Lý phải báo cáo để bộ kiểm tra thực địa trước khi sử dụng khu vực biển được giao. “Cũng từ việc hiểu như vậy nên đến nay, Công ty Công Lý vẫn chưa dám sử dụng” - ông Hận nói.

Ông Hận cũng thông tin Bộ TN&MT từng trả lời ông rằng nếu không báo cáo bộ kiểm tra thực địa mà sử dụng thì Công ty Công Lý vi phạm. Đó là vấn đề bất nhất. Bên cạnh đó, trong Văn bản 7689, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời với ông việc “báo cáo bộ kiểm tra thực địa là trách nhiệm của Công ty Công Lý trước khi sử dụng khu vực biển được giao. Còn việc kiểm tra thực địa là một việc khác của Bộ TN&MT”.

Bộ trưởng cũng nêu phía Công ty Công Lý có nhiều lần gửi yêu cầu bộ kiểm tra thực địa giao mốc nhưng bộ chưa làm được vì hai lý do. Thứ nhất, theo quy định, việc kiểm tra thực địa chỉ tiến hành khi công ty làm xong nghĩa vụ tài chính. Thứ hai, do dịch bệnh nên bộ chưa thể tổ chức kiểm tra.

“Các quy định có thể chưa thống nhất rõ ràng nhưng nguyên tắc đôi bên cùng có lợi thì ai cũng hiểu rõ. Phải được sử dụng thì mới trả tiền. Công ty Công Lý có các văn bản thể hiện nhiều lần đề nghị bộ kiểm tra thực địa bàn giao mốc để sử dụng khu vực biển nhưng bộ chưa kiểm tra. Công ty không dám sử dụng vì sợ bị phạt. Như vậy thì thu tiền có oan cho người ta không?” - ông Hận đặt câu hỏi.•

Sẽ báo cáo, xem xét kiến nghị của doanh nghiệp

Dù không nằm trong nội dung làm việc của đoàn kiểm tra thực địa, tuy nhiên, ông Vũ Trường Sơn (Trưởng đoàn công tác) cho biết vẫn ghi nhận và sẽ báo cáo một số kiến nghị, bức xúc của Công ty Công Lý để cấp trên tiếp tục xem xét.

Được biết đến nay, Công ty Công Lý đã nộp tiền khu vực biển khoảng 30 tỉ đồng bởi không nộp thì hệ thống tài khoản của công ty sẽ bị đóng băng. Hiện Cục Thuế tỉnh Cà Mau có thông báo công ty phải nộp tiếp số tiền khoảng 10 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm