Phạt 2 xe khách 'lén' đưa 20 người dân về quê 40 triệu đồng

Theo Sở GTVT TP.HCM, trên mạng xã hội có bài viết “Phạt 2 xe khách lén đưa 20 người dân về quê” phản ánh có hai xe khách vi phạm khi tự ý chở người dân về quê, lực lượng chức năng đã phạt tài xế, chủ xe và đưa người dân về lại nơi cư trú.

Vẫn còn xe trá hình hoạt động

Qua đó, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã lập biên bản vi phạm đối với hai phương tiện (51B-507.24 thuộc HTX Vận tải Du lịch Dịch vụ Hữu Lộc và 51B-295.88 thuộc HTX Vận tải và Du lịch Hóc Môn quản lý, được Sở GTVT cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”) về hành vi điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định và không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan chức năng theo thẩm quyền với số tiền 40 triệu đồng.

Phạt 2 xe khách 'lén' đưa 20 người dân về quê 40 triệu đồng ảnh 1
Những chiếc xe gắn băng rôn chuyến xe 0 đồng nhưng thực chất lại thu tiền hành khách. Ảnh: Nguyễn Do.

Ngoài ra, ngày 4-8, trên mạng xã hội cũng có bài viết: "Làm rõ hàng chục chuyến xe “nghĩa tình” đưa người nghèo về quê tránh dịch" với nội dung phản ánh lực lượng tại trạm khai báo y tế đặt tại thị trấn Lăng Cô đã phát hiện đoàn xe khách chở hơn 100 người từ TP.HCM về Thừa Thiên Huế có hiện tượng trá hình dưới danh nghĩa “chuyến xe 0 đồng”, “xe miễn phí” hỗ trợ người nghèo về quê nhưng có thu tiền của hành khách. Trong đó, hai phương tiện vận chuyển trên do Sở GTVT TP.HCM cấp phù hiệu xe hợp đông.

Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Thái Bình có văn bản đề nghị Sở GTVT TP.HCM phối hợp quản lý hoạt động vận chuyển người từ vùng dịch. Trong đó phản ảnh tình trạng các xe ô tô biển kiểm soát ở TP.HCM chở người dân từ TP.HCM về tỉnh Thái Bình trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ...

Tăng cường tuần tra kiểm soát

Do đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách trá hình “hỗ trợ người nghèo về quê” trong thời gian tới, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP và các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp.

Sở GTVT TP.HCM đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm nêu trên thì ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 100 thì còn xử lý nghiêm hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn TP.HCM tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của các cấp; các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 1063 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Sở GTVT TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm (51B-507.24 thuộc HTX Vận tải Du lịch Dịch vụ Hữu Lộc, 51B-295.88 thuộc HTX Vận tải và Du lịch Hóc Môn và 51B-248.62 và 51B-269.38 thuộc HTX Dịch vụ Du lịch Vận tải Thủy bộ Minh Thành quản lý) tổ chức kiểm tra rà soát, chấn chỉnh tại đơn vị các nội dung phản ảnh nêu trên. Đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra về Sở GTVT trước ngày 15-8.

Giao Thanh tra Sở GTVT là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường triển khai thực hiện các nội dung. Đồng thời báo cáo tình hình thực hiện, kết quả kiểm tra... gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Sở GTVT TP.HCM.

Tổ chức kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đề nghị của Sở GTVT tỉnh Thái Bình. Đồng thời báo cáo kết quả kiểm tra Sở GTVT trước ngày 15-8 và phúc đáp đến Sở GTVT tỉnh Thái Bình được biết.

Các loại phương tiện được lưu thông hiện nay

Trước đó, Công điện số 1063 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu: “Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31-7 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép)”.

Đồng thời, TP.HCM đang thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội TP để phòng, chống dịch COVID-19 và tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay các loại hình giao thông vận tải đường bộ được phép lưu thông trên địa bàn TP.HCM gồm: Xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (có QR Code) được phép lưu thông vào TP hoặc lưu thông xuyên qua TP, xe ô tô, xe mô tô, xe hai bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “1 cung đường - 2 địa điểm”, xe taxi (được Sở GTVT cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế và trong trường hợp cần thiết...

Trong đó, các xe đưa rước người dân TP về quê chủ yếu là phương tiện của các tỉnh, TP điều động theo kế hoạch đã được thống nhất giữa UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, TP có tổ chức đưa người dân về quê. Khi vận chuyển thường có xe dẫn đoàn gồm các thành viên là đại diện Tổ công tác của tỉnh, TP.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm