Số phận đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng 4.600 tỉ

Được phê duyệt từ năm 2013 và nhiều lần TP.HCM yêu cầu sớm đầu tư nhưng đến nay, dự án đường sắt trên cao nối ga Bình Triệu và ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn hiện nay) vẫn chưa có trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư. Có thể phải đến sau năm 2030, dự án này mới được tính đến.

Trong tương lai, tuyến đường sắt từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn
được quy hoạch thành đường sắt trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sau năm 2030 mới đầu tư xây dựng

Cụ thể, trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT đưa ra chín tuyến đường sắt mới được quy hoạch để chuẩn bị thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021-2030. Trong các tuyến mới này, không có tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng.

Trong văn bản góp ý đối với dự thảo trước đó, UBND TP.HCM có kiến nghị sớm đầu tư dự án đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng. “Về kế hoạch đầu tư: Xây dựng hoàn chỉnh ga Bình Triệu để chuyển depot Chí Hòa ra khu vực ga Bình Triệu và xây dựng tuyến đường sắt trên cao đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng theo quy hoạch” - văn bản góp ý của UBND TP cho hay.

Trả lời cho góp ý trên, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết giai đoạn 2026-2030, ngành giao thông ưu tiên đầu tư đường sắt kết nối cảng biển và khởi công hai đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Vì vậy, danh mục ưu tiên đầu tư trong dự thảo là phù hợp.

“Do đó, đối với một số tuyến xây dựng mới (Bình Triệu - Hòa Hưng, TP.HCM - Cần Thơ, Dĩ An - Lộc Ninh, Thủ Thiêm - sân bay Long Thành) được quy hoạch nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2030 làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng sau năm 2030” - Cục Đường sắt Việt Nam nêu kế hoạch.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trường hợp huy động được nguồn vốn mới xem xét thực hiện đầu tư các tuyến mới kể trên theo lộ trình phù hợp.

Trước đó, năm 2013, tại Quyết định 568, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Quy hoạch nêu rõ: Ga Sài Gòn vẫn ở vị trí cũ nhưng cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng. Đồng thời đoạn từ ga Bình Triệu đến ga Hòa Hưng sẽ thành đường sắt trên cao.

Tại thời điểm đó, các cơ quan tư vấn của Bộ GTVT đã tính toán để làm đoạn đường sắt trên cao này thì cần kinh phí hơn 200 triệu USD (khoảng 4.600 tỉ đồng).

Đi trên cao lưu ý cả về kỹ thuật và chi phí

“Theo tôi, đường sắt quốc gia từ ga cuối Bình Triệu chúng ta vẫn nên làm đường trên cao để nối vào trung tâm TP, đến ga Sài Gòn. Việc này sẽ giải quyết lượng khách lưu thông đi - đến ga Bình Triệu” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định.

Ngoài ra, về mặt giao thông, theo ông Cương, đường sắt trên cao khi vào trung tâm sẽ có kết nối với các tuyến đường sắt nội đô sau này, rất tiện lợi. “Về mặt chi phí, cũng như ta làm metro, đều phải giải tỏa mặt bằng trong TP nên sẽ tốn chi phí. Nếu chúng ta kết hợp khai thác quỹ đất hai bên đường, làm đường bộ dưới chân đường sắt để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, chúng ta phải tính toán điều này trong quá trình nghiên cứu” - ông Cương nói.

Bên cạnh bài toán chi phí, ông Cương cho rằng về mặt kỹ thuật, đường sắt quốc gia đi trên cao chúng ta nên lưu ý về tải trọng. Thường tuyến đường sắt trên cao sẽ không chở hàng hóa mà chỉ dùng chuyên chở hành khách để hạn chế tải trọng vì đoàn tàu của đường sắt hiện nay khá dài, lên đến mấy trăm mét.

Trước đó, các chuyên gia giao thông ở TP.HCM cũng cho rằng nếu toàn đoạn 9,5 km tuyến này đi trên cao thì đáy phải cách mặt đường bộ hiện hữu là 4,75 m.

Không những vậy, việc đi trên cao, với mục đích triệt tiêu các điểm giao cắt với đường bộ, cũng khó khăn khi đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn hiện nay khá nhiều giao cắt đường bộ.

Thông tin thêm về dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt đang xây dựng, TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, khẳng định quan điểm xây dựng quy hoạch lần này kế thừa quan điểm quy hoạch trước đây. Quy hoạch trong dự thảo phù hợp tình hình thực tế, đặc thù và lợi thế lĩnh vực, khắc phục các tồn tại, hạn chế 10 năm qua.

Theo đó, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết mục tiêu cụ thể đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt đạt 11,8 triệu tấn (gấp 2,3 lần so với năm 2019). Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, trong đó đường sắt quốc gia là 21,5 triệu khách (gấp 2,7 lần năm 2019).

 

Đường sắt hiện hữu sẽ ra sao

Trong các văn bản trao đổi góp ý của UBND TP.HCM và Bộ GTVT đều thống nhất ga Bình Triệu sẽ là ga đầu cuối của đường sắt quốc gia. Đoạn đường sắt hiện hữu Bình Triệu - Hòa Hưng sẽ xem xét tận dụng một phần để chuyển thành đường sắt đô thị (sau khi khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao từ ga Thủ Thiêm).

Về khu vực ga Bình Triệu, TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu (diện tích khoảng 47,35 ha, tổng số hộ dân khoảng 3.716 hộ). Đồng thời xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh nhà ga để sớm ổn định đời sống của người dân, cũng như xúc tiến triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm