Sống ở Hà Nội phải biết… chèo thuyền

Trời Hà Nội bắt đầu nắng gắt sau những đợt mưa dài. Đường về Chương Mỹ bụi bay mù mịt nhưng xóm Lăng hay còn được gọi là “xóm biển”, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ vẫn bị cô lập.

“Nước mưa, nước lũ mỗi năm thường nhấn chìm nơi đây 1-2 tháng nên người dân chịu đựng riết cũng quen. Chỉ thương mấy đứa thanh niên, bởi con gái không đứa nào dám về đây làm dâu” - một người già trong thôn cám cảnh nói về vùng đất họ đang sinh sống.

Làm càng nhiều, thiệt hại càng lớn

Dù quen đón lũ như đón… người thân nhưng đợt lũ năm nay nước dâng cao bất ngờ lúc rạng sáng (ngày 13-7) nên nhiều người dân trở tay không kịp. Bà Nguyễn Thị Hải, ngụ xóm Lăng, kể rằng dù kịp đưa đồ đạc có giá trị lên cao nhưng do năm nay lượng nước đổ về lớn và nhanh nên heo, gà bị cuốn trôi gần hết. Nhà nào cũng thiệt hại từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.

Sống ở khu vực trũng này 36 năm, bà Hải cho biết trước đây năm nào cũng ngập nhưng đặc biệt hai năm trở lại đây nước dâng rất cao. Mỗi đợt ngập kéo dài cả tháng trời khiến cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. “Dân ở đây siêng năng làm ăn lắm nhưng làm càng nhiều thì càng… không có ăn vì mỗi lần lũ lên lại cuốn đi sạch. Biết là vậy nhưng không có cách nào chống lại được với thiên tai” - bà Hải thở dài, nhìn vào những bãi tôm, cá mà người dân đang nuôi giờ trở thành bãi nước mênh mông rồi chèo thuyền đi.

Cách đó không xa là nhà anh Nguyễn Đình Hà, tốt nghiệp ĐH Điện lực (Hà Nội) xong rồi quyết định về quê lập nghiệp. Anh mở trang trại chăn nuôi với 4.000 con gà, 50 con heo và ba mẫu cá. Nhưng đợt lũ vừa qua đã cuốn đi sạch. “Thấy nước lên tôi gọi xe đến chuyển heo, đồ đạc lên núi nhưng không kịp. Cả năm làm lụng giờ chỉ thấy một biển nước mênh mông. Mất sạch!” - anh Hà buồn bã.

Người dân Chương Mỹ, Hà Nội phải chịu đựng lũ lớn kéo dài nhiều ngày trong năm. Ảnh: LONG PHAN

Con gái sợ lấy chồng rốn lũ

Mưa lũ không những làm đời sống người dân khó khăn mà còn khiến nhiều chàng trai xóm Lăng… ế vợ. Nguyễn Đình Bảy cho biết dù đã hơn 30 tuổi nhưng anh vẫn chưa lập gia đình, bởi mỗi lần nghe đến “từ khóa” xóm Lăng là các cô gái lắc đầu từ chối hẹn hò.

“Năm trước tôi yêu một cô gái xóm trên, được vài tháng tôi mới nói nơi ở rồi dẫn cô về thăm nhà. Biết được nơi đây là vùng rốn ngập, cô ấy từ chối luôn…” - anh Bảy cười buồn.

Nhìn thôn như một biển nước, ông Nguyễn Trọng Lưu cho biết từ chục ngày nay cả thôn vắng hoe. Người già, trẻ nhỏ đều di tản đến vùng cao ở với người thân. Chỉ vài nhà không biết đi đâu nên đành trụ lại, mỗi sáng thôn lại cắt cử người chở những đứa trẻ đến trường học. “Nhiều người dân cũng ngán vùng này lắm nhưng biết đi đâu bây giờ” - ông Lưu cho hay.

Ông Nguyễn Chí Đối, trưởng thôn Lăng, cho biết hai năm trở lại đây thôn Lăng liên tục bị ngập dài ngày, năm nay mực nước cao hơn năm 2017 do mưa lớn kèm lũ tràn đê Bùi Hai. “Dù nước đã rút so với những ngày qua nhưng vẫn còn hàng trăm hộ bị ngập khoảng 1-2 m. Bây giờ chỉ chờ sông Đáy rút nước, thôn mới đỡ ngập. Nếu mưa như hiện nay, chúng tôi dự kiến tình trạng ngập sẽ còn kéo dài mấy tháng nữa” - ông nói.

Đã có chủ trương di dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 25-7, ông Nguyễn Huy Phong, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, xác nhận mưa lớn sau bão số 3 đã khiến hơn 800 hộ dân (khoảng 1/3 số hộ dân của xã Nam Phương Tiến) bị ngập.

Theo ông Phong, xã Nam Phương Tiến là vùng trũng nhất của Hà Nội, lại là một trong ba xã thuộc khu vực phân lũ của lưu vực sông Tích, sông Bùi. Trước khi có thủy điện Hòa Bình thì hầu như mùa bão lũ năm nào người dân ở đây cũng phải sống chung với lũ. Sau khi có thủy điện Hòa Bình thì ít bị ngập hơn nhưng mấy năm trở lại đây người dân xã Nam Phương Tiến lại đối mặt với cảnh ngập lụt.

Còn ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, cho hay các xã như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ… đều nằm ở mạn đê hữu của sông Bùi. Đây là khu vực phân lũ cho sông Bùi. Nếu nước sông Bùi dâng cao ở mức báo động 3 thì nước sẽ tự động tràn qua đê Hữu Bùi và gây ngập tại các xã này. “Thiết kế phân lũ như vậy là để bảo vệ đê Tả Bùi. Chứ nếu đê Tả Bùi vỡ, lũ sẽ tràn về nội đô Hà Nội gây thảm họa” - ông Hùng giải thích.

Ông Hùng cho hay mấy năm gần đây do thời tiết thất thường, mưa lũ nhiều dẫn đến người dân các xã trên phải sống chung với lũ. Sau trận ngập tháng 10-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có về Chương Mỹ nhiều lần và chỉ đạo nghiên cứu phương án ổn định đời sống cho người dân ở các xã này. Cụ thể, chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu Sở QH-KT lên phương án đưa người dân qua sinh sống ở địa điểm cao hơn, còn khu vực hiện tại thì quy hoạch làm vùng trồng trọt, chăn nuôi.

“Tuy nhiên, đây là giải pháp lâu dài, thực hiện trong 10-20 năm tới chứ không thể làm ngay được” - ông Hùng nói. Về giải pháp trước mắt, ông Hùng cho hay cơ quan chức năng đang nghiên cứu nạo vét sông Bùi, sông Tích, hệ thống thủy lợi… để thoát lũ nhanh. Bên cạnh đó, gia cố mặt đê Hữu Bùi theo hướng biến đây thành đường giao thông để tạo thuận tiện cho người dân đi lại.

831 hộ ở xã Nam Phương Tiến với hơn 4.000 nhân khẩu đang bị cô lập, trong đó có 637 hộ bị ngập nặng. Ước tính 235 ha lúa, 115 ha hoa màu, 78 ha cây ăn trái, 85 ha thủy sản, 118 trang trại, 116.000 con gia cầm bị hư hại, ảnh hưởng. Trên 1.000 con heo đã chết. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.