Thêm nhà ga gỡ kẹt ở sân bay Tân Sơn Nhất

“Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các quy hoạch sân bay Việt Nam, đồng thời phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM sớm hoàn thành đề án quy hoạch tổng thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, báo cáo với Thủ tướng. Sau đó có lộ trình thực hiện các dự án cụ thể, cùng với Bộ Quốc phòng nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 40-50 triệu khách” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương hôm 29-12.

Thêm sân đỗ, nhà ga và đường dẫn

Theo quy hoạch các cảng hàng không của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nước ta có 28 cảng hàng không với lưu lượng đến năm 2020 khoảng 70 triệu khách. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 sẽ có khoảng 87 triệu khách và năm 2017 dự kiến tăng 10%-15%. Như vậy, đa số các sân bay, kể cả sân bay nhỏ ở các địa phương đều quá tải, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất quá tải trầm trọng. “Theo quy hoạch, sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế đáp ứng cho 25 triệu khách, đến nay là 32 triệu khách” - Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng chỗ đỗ, tăng đường dẫn, đường lăn và tăng thêm hai ga hành khách (đa số dùng vốn ngoài nhà nước, không dùng vốn ngân sách), tăng cường quản lý không lưu. Cùng với đó là hệ thống giao thông kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất với TP.HCM và TP.HCM phải tập trung làm vấn đề này.

“Sự chỉ đạo tăng năng suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng để phục vụ người dân là chuẩn xác và rất đáng mừng” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, tiến sĩ kỹ thuật hàng không ĐH Sydney, nói với Pháp Luật TP.HCM chiều 29-12.

Theo PGS-TS Tống, vấn đề hiện nay là cân nhắc các phương án thực hiện. “Trước tiên có thể cải tạo các nhà ga hiện hữu, thêm chỗ đỗ cho máy bay và có đường ống nối từ nhà ga đến máy bay để khách lên/xuống là các biện pháp khả dĩ trước mắt đảm bảo tăng năng suất khai thác sân bay” - ông Tống nói.

Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Ảnh: Hồng Trâm

Thậm chí 80 triệu khách/năm?

Cùng ngày, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết Bộ Quốc phòng đã bàn giao đất cho dự án đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất của sân bay này. Trong đó, dự án mở rộng nhà ga lưỡng dụng (quy mô 10 triệu hành khách/năm, tổng số vốn hơn 2.100 tỉ đồng) đã được Cục Hàng không thẩm định thông qua thiết kế cơ sở nhưng đang chờ Bộ Quốc phòng đồng ý để triển khai, đưa vào khai thác sau 12 tháng thi công.

Ngoài ra, nhà ga nội địa và quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ được cải tạo để nâng công suất từ 25 triệu hành khách lên 28 triệu hành khách/năm. Khi hoàn tất việc xây dựng thêm nhà ga và cải tạo hai nhà ga hiện có thì công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nâng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT còn báo cáo chủ trương xin phép xây dựng thêm một đường lăn song song hai đường lăn hiện hữu để tạo hai đường vào ra đối lưu và xây các đường lăn đồng bộ khác để máy bay không phải đợi nhau như hiện nay. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng đánh giá khi thoát cả khu bay lẫn bầu trời, đảm bảo có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 38 triệu hành khách/năm.

Tuy vậy, PGS-TS Tống cho rằng có thể khai thác sân bay này với công suất cao hơn. Cụ thể, một đường băng có thể khai thác được 30 chuyến/giờ nên lấy con số khiêm tốn thì một năm khai thác được 200.000 chuyến bay. Nếu thực hiện theo các nước, chỉ cho các máy bay đầy khách (180-200 người) thì một năm có thể phục vụ 36-40 triệu lượt khách. “Do hai đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất nằm cách nhau chỉ khoảng 350 m, không thể khai thác độc lập song có thể đảm bảo phục vụ được 40 triệu khách/năm” - ông Tống phân tích.

Theo ông Tống, Sydney đang xây dựng hai đường băng (dài 3.600 m/đường) nhưng kế hoạch phục vụ 80-100 triệu khách/năm. Do vậy, nếu trong sân bay Tân Sơn Nhất xây thêm một đường băng (có thể phải giải tỏa một ít nhà dân) cách xa các đường băng hiện hữu theo tiêu chuẩn chung thì khai thác ở sân bay đảm bảo 50 triệu khách/năm, thậm chí hơn nhiều. Song đi kèm đó là nhà ga, sân đỗ… “Tôi cho rằng nhà ga mới nên đặt ở vị trí sân golf trong sân bay và có đường nội bộ vận chuyển khách qua lại giữa các nhà ga như sân bay của các nước trên thế giới. Nếu xây nhà ga ở đây thì sân bay có thêm một cổng ra vào ở hướng đường Quang Trung, Tân Sơn. Khi đó, áp lực giao thông sẽ bớt dồn vào trục đường Trường Sơn. Đây là giải pháp chiến lược, đảm bảo tăng năng suất sân bay lên rất nhanh” - PGS-TS Tống đề nghị.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 50 chỗ đậu và bảy chỗ đậu quân sự, bốn chỗ đậu của hangar có thể đậu máy bay qua đêm thường xuyên. Tuy vậy, số chỗ trên không đáp ứng được yêu cầu nên nhiều khi máy bay ở sân bay này phải đậu ở các sân bay khác.

Hiện Bộ Quốc phòng đã giao 21 ha đất quân sự cho sân bay. Do vậy, nếu triển khai ngay và hoàn tất sớm dự án đậu máy bay quy mô 37 chỗ thì các máy bay khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất không cần phải “ngủ đêm” ở nơi khác.

Yêu cầu Bộ GTVT hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành, báo cáo với Quốc hội vào năm 2019. Dự kiến tháng 5-2017 sẽ báo cáo Quốc hội cho tách dự án giải phóng mặt bằng để thực hiện trước.

Phó Thủ tướng TRỊNH ĐÌNH DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm