Thực hư chuyện học lái xe ‘bao đậu’

“Sở GTVT sẽ yêu cầu các trung tâm dạy lái xe trên địa bàn điều chỉnh, không được quảng cáo theo kiểu hứa “bao đậu 100%” để tránh gây ngộ nhận cho học viên”. chiều 9-9, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.

Nhan nhản lời quảng cáo “có cánh”

Trước đó, người dân đã gửi đơn phản ánh với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) việc Trung tâm Dạy lái xe Đồng Tiến, quận Tân Bình, TP.HCM hứa “bao đậu 100%” cho những học viên đăng ký học bằng lái ô tô tại trung tâm. Ngay sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Sở GTVT kiểm tra và xử lý sai phạm (nếu có).

Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Trung tâm Đồng Tiến mà nhiều trường dạy lái xe ô tô khác ở TP.HCM cũng đưa ra những lời quảng cáo “có cánh” tương tự. Đơn cử có thể kể đến Trung tâm Thái Sơn (quận 10), Trung tâm Trường An (quận Phú Nhuận), Trung tâm Thành Công (quận 10)... Không chỉ đưa ra các cam kết về tỉ lệ đậu, các trung tâm dạy lái xe còn đua nhau rao giành phần hơn về giờ dạy thực hành, học phí; thời gian đào tạo cấp tốc. Trên trang web http://trungtamdongtien.com/, Trung tâm Đồng Tiến cam kết “... dạy lái xe tốt nhất, học phí thấp nhất tại TP.HCM; luôn đứng đầu về khâu đào tạo và giảng dạy tại TP.HCM”. Đặc biệt, để củng cố thêm lòng tin của học viên, trung tâm này còn lưu ý bằng chữ nổi màu đỏ, nhiều chỗ in đậm: “Nếu học viên trực tiếp gặp hoặc điện thoại gặp anh Huynh sẽ được bao thi đậu 99%...”.

Hàng loạt trung tâm dạy lái xe đang cam kết “bao đậu 100%”. Ảnh: MP

Tương tự, trang web http://truongdaylaixeoto.com/ cũng của Trung tâm Đồng Tiến còn khẳng định: “Đảm bảo tỉ lệ đậu cao nhất TP.HCM - Hà Nội: 100%; Học phí rẻ nhất nhưng lại là trung tâm đào tạo lái xe uy tín nhất TP.HCM…”.

Tuy vậy, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết qua kiểm tra các khóa đào tạo bằng lái ô tô hạng B2 tại Trung tâm Đồng Tiến từ tháng 4 đến tháng 7-2014 thì tỉ lệ thi đậu cao nhất chỉ đạt 86%. Có tháng tỉ lệ này là 62%.

“Ông cứ liệng tiền ra là khỏi thi”

Trong vai học viên có nhu cầu lấy bằng lái ô tô, chúng tôi liên hệ với nhiều trung tâm dạy lái xe và được biết mức học phí cũng khá “nhảy múa”, ở mức 5,9-6,8 triệu đồng cho một khóa học. Nhân viên ghi danh ở Trung tâm Trường An (quận Phú Nhuận) cho biết số giờ học thực hành ở trung tâm là 20 tiếng. Khi chúng tôi thắc mắc ở nơi khác có giờ thực hành trên 50 tiếng, nhân viên này nói chắc nịch: “Trung tâm Trường An là nơi dạy thực hành nhiều nhất thành phố. Những nơi khác quảng cáo 40 hoặc 80 tiếng là do bốn hoặc tám người học chung một xe đó”. Nói về tỉ lệ đậu, nhân viên này cam kết đây là địa chỉ đào tạo chất lượng, không có học viên nào rớt (!?).

Dè dặt hơn, nhân viên của Trung tâm Thái Sơn (quận 10) cho hay chỉ thu phí một lần trọn gói và trường hợp rớt sẽ đào tạo lại, trung tâm chịu các chi phí thi lại. Riêng nhân viên tên Sơn của Trung tâm Thành Công (quận 10, đây đồng thời cũng là trung tâm sát hạch - NV) còn tiết lộ: “Nói chung thi ở hội đồng mình thôi và với học viên của mình thì sẽ chấm nương hơn, dễ đậu lắm”.

Ông Lưu Minh T. (ngụ quận Tân Bình, vừa thi lấy bằng lái ô tô) thông tin thêm: Trước khi thi, các học viên được khuyến cáo đóng thêm một khoản tiền ngoài lệ phí thi. “Có trường thu 200.000 đồng/người nhưng có trường thu 300.000 đồng/người. Họ nói đây là khoản “phí chống trượt” để bồi dưỡng cho giám thị sát hạch phần thi đường trường. Khóa học của tôi ai cũng đóng khoản này cả” - ông T. nói.

Khi chúng tôi đề cập đến khoản “phí chống trượt”, ông Tùng (được quảng cáo là trưởng phòng Đào tạo của Trung tâm Đồng Tiến) không ngại ngần nói: “Đường trường 300.000 đồng là phải có rồi. Ông cứ liệng tiền ra là khỏi thi”. “Nhưng khi thi cũng phải chạy chứ?” - tôi hỏi lại. “Chạy gì. Chạy sao cũng đậu ông ơi.... (Cười). Cái đó gọi là phí để giám khảo chấm cho dễ đó mà” - ông Tùng lý giải.

Theo Sở GTVT, có thể các trung tâm có thu thêm khoản tiền bồi dưỡng cho giám thị. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận giữa trung tâm với học viên và Sở GTVT nghiêm cấm việc nhận tiền “bao đậu”. “Thực tế làm gì có chuyện bao đậu. Có chăng là học viên đóng học phí một lần thôi, nếu rớt thì trung tâm dạy lại và chịu lệ phí để học viên thi lại” - ông Dương Hồng Thanh nói.

MINH PHONG

Cái gì cũng có “mẹo” hết

Theo nhân viên các trung tâm dạy lái xe, việc thi lý thuyết là không khó, chỉ cần luyện 4-5 buổi là đậu. Cái khó nhất là thi sa hình với hai bài khó là dừng trên dốc cầu và lùi vào nhà xe. Tuy vậy, từ phần thi dễ đến phần khó đều có “mẹo” hết, nắm được là dễ dàng qua trót lọt.

Việc thi lấy bằng lái ô tô không phải quá khó nhưng chưa hẳn là dễ. Nếu một trung tâm đào tạo lái xe nghiêm túc, bài bản thì những học viên sau khi có bằng lái sẽ xử lý nhanh các tình huống bất ngờ khi đang lưu thông trên đường. Còn nếu được sự “ưu ái” nào đó thì sẽ có nhiều người lấy được bằng lái nhưng ra đường không biết lùi xe, không biết xử lý tình huống. Đây là nguồn cơn của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tình trạng “xe điên” đâm hàng loạt người xảy ra trong thời gian qua một phần cũng do tài xế xuất thân từ các “lò” dạy lái xe thiếu chất lượng, thiếu trách nhiệm như thế.

Tài xế xe khách NGUYỄN HỮU THÀNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm