Thủy điện gây phập phồng trên dòng Mekong

“Vụ vỡ đập thủy điện ở Lào là thảm họa, không chỉ gây tang thương cho người dân địa phương mà còn gây lo ngại cho Việt Nam. Với hệ thống đập thủy điện quá nhiều trên dòng Mekong, khi xảy ra sự cố thì nước ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, đã bày tỏ lo ngại sau vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.

Hậu quả rất khủng khiếp

Theo TS Đào Trọng Tứ, qua tính toán thủy lực, các nhà khoa học xác định vụ vỡ đập ở Lào sẽ làm cho mực nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng lên 5-6 cm trong những ngày tới. “Dù mực nước tăng lên không đáng kể nhưng nó cho thấy chỉ với một sự cố vỡ đập trên dòng nhánh Mekong đã ảnh hưởng đến nước ta rồi, nói gì đến hệ thống đập dày đặc trên dòng Mekong” - TS Tứ phân tích.

TS Đào Trọng Tứ cho biết hiện nay, tính cả trên dòng chính và dòng nhánh Mekong có hàng trăm đập thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ. Với hệ thống hồ chứa này, khi xảy ra sự cố vỡ đập dây chuyền thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. “Chỉ riêng hai đập ở thượng nguồn Mekong (thuộc Trung Quốc) đã có sức chứa lên đến 30 tỉ m3 nước. Do đó, nếu xảy ra sự cố thì lượng nước đổ xuống hạ nguồn rất khủng khiếp” - TS Tứ cho biết thêm.

Trong những năm gần đây, khi đi ngược dòng Mekong, PV Pháp Luật TP.HCM nhận thấy dọc bờ sông Tiền đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang có rất nhiều hộ dân sinh sống sát mép sông trong tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng, rất nguy hiểm. Người dân địa phương không biết rõ nguyên nhân cụ thể vì sao tình trạng sạt lở gia tăng nhưng họ nhận thấy tốc độ dòng chảy trên dòng Mekong thay đổi liên tục với tốc độ dòng chảy ngày càng khó lường.

“Với tốc độ dòng chảy mạnh thì chắc chắn sẽ làm cho tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng. Nếu trên thượng nguồn bị vỡ đập hoặc xả lũ thì chắc chắn lượng nước đổ về ĐBSCL sẽ tăng lên. Do đó cần phải có những nghiên cứu thêm về tác động của dòng chảy đến tình trạng sạt lở dọc dòng Mekong để lên phương án cảnh báo, di dời dân kịp thời. Nếu không, chúng ta sẽ rất bị động trong việc ứng phó…” - một chuyên gia nghiên cứu về thủy lợi ở ĐBSCL nhận định.

Nhiều người Việt Nam sinh sống dọc sông Tiền sẽ gánh hậu quả khó lường nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện ở thượng nguồn. Ảnh: TRUNG THANH

Cần đánh giá tình trạng sạt lở ven bờ sông Tiền gia tăng trong những năm gần đây để có phương án đề phòng. Ảnh: TRUNG THANH

Ít có thời gian xoay xở

Tài liệu do PV Pháp Luật TP.HCM thu thập được cho thấy nếu so công suất thiết kế 410 MW của thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.

 (thủy điện xảy ra vỡ đập ở Lào) với các dự án trên dòng chính sông Mekong thì vẫn là loại nhỏ. Ngoại trừ Don Sahong có công suất thiết kế 360 MW, Sanakham và Lat Sua công suất gần 700 MW, các dự án còn lại đều trên 1.000 MW, lớn nhất là dự án Sambor (trên lãnh thổ Campuchia) với công suất thiết kế lên đến 2.600 MW.

Đến nay, trên dòng chính sông Mekong phía thượng nguồn Trung Quốc có tám dự án thủy điện (trong đó có sáu thủy điện đã đi vào hoạt động, một dự án đang xây dựng và một dự án nằm trong kế hoạch), phía hạ nguồn có 11 dự án (chín dự án của Lào và hai dự án của Campuchia). Theo công suất thiết kế hiện tại, 11 dự án dòng chính ở hạ lưu Mekong có tổng công suất đến 14.697 MW, chiếm 23%-28% tổng tiềm năng thủy điện của bốn quốc gia vùng hạ lưu.

Qua vụ vỡ đập ở Lào, cần phải nghiên cứu thêm về những rủi ro đối với hệ thống đập thủy điện trên dòng Mekong. Chúng ta phải lường trước các sự cố có thể xảy ra là vỡ đập đơn, vỡ đôi và vỡ theo chuỗi để lên phương án ứng phó. Như vụ vỡ đập bên Lào gây thiệt hại như thế chứng tỏ phương án ứng phó là không tốt.

TS Đào Trọng Tứ,
chuyên gia của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam 

Đánh giá về hệ thống thủy điện trên dòng chính Mekong, Trung tâm Quốc tế quản lý môi trường (ICEM) cảnh báo có các dự án mà đỉnh nước có thể lên đến 3-6 m, trong khi làng mạc chỉ cách 40-50 km ở phía hạ lưu. Khi xả đập có kế hoạch hay xả khẩn cấp, đỉnh lũ có thể lớn hơn và nước lũ chỉ mất 1-2 giờ để đi hết đoạn hạ lưu đó. Vì thế, người dân sống ở khu vực hạ lưu sẽ có rất ít thời gian xoay xở.

“Chưa kể biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng sự xuất hiện của các sự kiện thời tiết cực đoan trong thời gian vận hành của các dự án dòng chính. Từ đó làm tăng rủi ro vỡ đập. Các sự cố vỡ đập có thể dẫn đến những dao động chưa từng có trong lịch sử đối với dòng chảy, dẫn đến những hệ quả thảm họa cho các cộng đồng ở hạ lưu” - ICEM cảnh báo.

Rà soát an toàn các đập thủy điện

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người từng tham gia đánh giá tác động môi trường nhiều công trình thủy điện ở Việt Nam cho rằng từ vụ vỡ đập gây thảm họa ở Lào cần phải rà soát và đánh giá đầy đủ về việc xây dựng, vận hành hệ thống đập thủy điện ở Việt Nam.

Theo TS Long, từ những trận lũ kinh hoàng thời gian gần đây cho thấy khi rừng bị tàn phá thì hậu quả của những trận mưa lũ ngày càng dữ dội như thế nào. Vì thế, đối với những khu vực xảy ra sạt, xói lở nhiều cần phải theo dõi và đánh giá về mức độ an toàn của những đập thủy điện tại đó để lên phương án phòng ngừa, ứng phó kịp thời, tránh thảm họa như vụ vỡ đập bên Lào. Được biết tính cả đập thủy điện và thủy lợi, hiện Việt Nam có hơn 7.000 đập.

Chỉ còn 3% phù sa, ĐBSCL bị xói lở nghiêm trọng

Chiều 26-7, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp kỹ thuật phòng, chống sạt lở sông, bờ biển vùng ĐBSCL. Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, diễn biến sạt lở ĐBSCL diễn ra rất nhanh, phức tạp, tác động lớn đến kinh tế-xã hội. Hiện ĐBSCL có 562 điểm sạt lở với diện tích 786 km2, trong đó bờ sông chiếm đến 520 km2 với 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển sẽ diễn ra ngày càng quyết liệt do ảnh hưởng từ xây dựng hồ chứa thượng nguồn sông Mekong. “Hiện nay nhiều nước đã xây dựng gần hoàn thành các hồ chứa trên dòng chính và dòng nhánh Mekong. Việc này làm suy giảm nghiêm trọng lượng phù sa về. Theo kịch bản này thì đến năm 2040, lượng phù sa về bị suy giảm 97%, tức phù sa về chỉ còn 3%, cộng với các nguyên nhân khác như thời tiết cực đoan, gia tăng dân số, phát triển kinh tế-xã hội… thì xói lở ĐBSCL diễn ra vô cùng phức tạp” - ông Thắng nói.

HẢI DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm