Thủy điện vận hành không tốt sẽ thành thủy hại

GS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, nhận xét như trên tại hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường đang diễn ra tại TP.HCM.

Theo GS Nghĩa, trong suốt thời gian dài, Việt Nam phát triển thủy điện là chủ yếu. “Năm 1995, khi nhà máy thủy điện Hòa Bình đưa vào sản xuất, thủy điện chiếm 75%. Tuy nhiên khi ấy tình trạng thiếu điện diễn ra nhiều nơi và như ở TP.HCM có khi phải cắt điện 4 lần/tuần. Việc thiếu hụt điện nghiêm trọng phải “cấp cứu” từ việc đầu tư các nhà máy điện khí và xây dựng đường dây 500 kV Bắc-Nam” - GS Nghĩa kể lại.

GS Nghĩa cho biết thủy điện có ưu thế là giá thành rẻ nhất, là sản xuất sạch và là năng lượng tái tạo, thời gian xây dựng không quá lâu… Tuy nhiên, Việt Nam và nhiều nước đã khai thác triệt để, không còn nguồn thủy năng để phát triển.

Ngoài ra, nó cũng có nhiều nhược điểm như phụ thuộc vào thời tiết và việc điều hành không tốt hoặc thiết kế có vấn đề thì có thể thành thủy hại. Cạnh đó, thủy điện chiếm nhiều diện tích để làm hồ chứa, lượng di dân rất lớn, cần có rừng phòng hộ.

GS-TS Trương Duy Nghĩa cho rằng thiết kế có vấn đề hoặc việc vận hành không tốt, các thủy điện sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu. Ảnh: MP

Vị Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cũng cho rằng sau thủy điện, các quốc gia đẩy mạnh khai thác nhiệt điện than và hiện nay nhiệt điện than là nguồn phát điện chủ yếu. “Ở nước ta, đến năm 2020 nhiệt điện than mới có vai trò chủ yếu. Nếu điện hạt nhân lui tiến độ thì nhiệt điện than vẫn phải coi là phương hướng phát triển chủ đạo” - GS Nghĩa nói.

Khi điện hạt nhân ngưng thực hiện thì các nhà máy nhiệt điện được ưu tiên lựa chọn trong bài toán đầu tư điện phục vụ đất nước và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: MP

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của nhà máy nhiệt điện than có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải… Ông Nghĩa cảnh báo: “Các chất thải từ khói bụi như SO2, Nox không tích trữ trong lòng không khí làm tăng nồng độ độc hại trong không khí. Ngoài ra, tro xỉ thải ra bằng phương pháp khô (dùng xe vận chuyển) của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, gặp gió (huyện Tuy Phong, Bình Thuận - nơi đặt nhà máy nhiệt điện) đã thổi bụi vào khu dân cư nên phải dùng nhiều biện pháp với chi phí tốn kém để khắc phục”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm