TKV: Ứng dụng công nghệ là chìa khóa nâng năng suất lao động

Từ một tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, TKV đã trở thành tập đoàn kinh tế mạnh với bốn lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực và vật liệu nổ công nghiệp là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến thời điểm hiện nay, TKV có 68 công ty con và đơn vị trực thuộc. Tổng số cán bộ nhân viên toàn tập đoàn đến thời điểm tháng 9-2019 là trên 97.000 người. TKV và các đơn vị trực thuộc đang hoạt động tại 42 tỉnh, thành trên cả nước.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV luôn có lãi, bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, đồng thời không ngừng tăng cường năng lực tài chính của tập đoàn. Liên tục từ năm 2005 đến nay, lợi nhuận trước thuế và tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của TKV luôn đạt mức cao trung bình từ  32%-42%. Những năm đầu thành lập, vốn chủ sở hữu là 900 tỉ đồng, đến nay đã tăng lên 35.000 tỉ đồng, gấp 37 lần, hoàn toàn do TKV tự tích lũy. Tổng tài sản là 129.000 tỉ đồng, tăng 5,38 lần so với năm 2005. Doanh thu tăng từ 1.850 tỉ đồng lên hơn 124.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng từ 12 tỉ đồng lên gần 5.000 tỉ đồng. Tính chung 25 năm, tổng doanh thu của TKV đạt 1.121 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận là 60.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, TKV đã luôn hoàn thành nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước ở mức cao nhất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thương mại và thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Theo thống kê, nộp ngân sách Nhà nước đã tăng từ 120 tỉ đồng năm 1995 lên 17.800 tỉ đồng năm 2019. 25 năm hoạt động, TKV đã nộp Ngân sách Nhà nước 164.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2019 nộp ngân sách nhà nước gấp 148 lần so với năm 1995.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc TKV, nhìn nhận trên hành trình 25 năm hình thành và phát triển, TKV luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ giao, là doanh nghiệp nòng cốt chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng than cho nền kinh tế. TKV cũng đồng thời là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Thông qua việc kiểm soát giá bán than của TKV, Nhà nước đã điều tiết giá đầu vào của các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là than dùng để phát điện, từ đó góp phần bình ổn sản xuất trong nước và ổn định đời sống nhân dân. Thực tế từ năm 2014 trở về trước, giá than của TKV bán cho các nhà máy điện luôn thấp hơn giá thành sản xuất. Nói cách khác, lợi nhuận của TKV đã được điều tiết cho ngành điện và một số ngành khác để thực hiện chính sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước.

Trong quá trình hoạt động, TKV luôn chú trọng đầu tư cải thiện môi trường vùng mỏ, tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội, góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP của các địa phương, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Đắk Nông, Lâm Đồng,… góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương này.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, TKV đã có nhiều giải pháp động viên và khơi dậy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần làm chủ, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công nhân. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, TKV đã phối hợp tốt với các địa phương nơi có hoạt động SXKD của tập đoàn trong công tác bảo vệ môi trường, làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Thời gian sắp tới, ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị TKV tập trung sản xuất sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Tập đoàn cần coi khoa học công nghệ là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả của doanh nghiệp và tăng hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm