TP.HCM đề nghị được 'tự quyết' dự án đường sắt đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Trong đó, UBND TP kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, thành trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.

Giải thích kiến nghị này, UBND TP cho rằng nguồn vốn để thực hiện quy hoạch đường sắt quốc gia trên địa bàn TP là rất lớn trong khi ngân sách còn hạn hẹp, dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thực hiện quy hoạch. Đây cũng là lĩnh vực chưa có sức hấp dẫn để kêu gọi xã hội hóa.

Được biết tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn TP là 220 km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 25 tỉ USD. Hiện chỉ có tuyến metro số 1 và số 2 được triển khai đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; tuyến số 5 (giai đoạn 1) đã có cam kết tài trợ hoàn thiện thiết kế cơ sở và dự án đầu tư.

Kiểm tra kỹ thuật chuẩn bị lắp ray tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Ảnh: LƯU ĐỨC

UBND TP cũng cho rằng thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm từ khâu đề xuất ý tưởng cho đến khi ký điều ước quốc tế. Do đó, khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.

Một bất cập khác, UBND TP cho rằng theo Luật Đường sắt năm 2017, việc phát triển metro phải phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác. Tuy nhiên, đối với các dự án metro có vốn đầu tư hàng tỉ USD, nếu chiếu theo Luật Đầu tư công phải được Thủ tướng phê duyệt dự án (những dự án trên 10.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội). Do đó, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.

Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay tổng khối lượng của tuyến metro số 1 mới đạt hơn 52%. Theo kế hoạch (đã điều chỉnh), đến năm 2020 tuyến metro này phải hoàn thành. Như vậy tổng khối lượng cho hơn một năm rưỡi còn lại là rất lớn (trong khi khối lượng 52% được thực hiện trong hơn tám năm trước đó). “Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA tiếp tục chậm, phải qua nhiều tầng nấc, bộ, ngành. TP không tự chủ, tự quyết được thì việc “lỗi hẹn” của tuyến metro số 1 là nằm trong khả năng” - một lãnh đạo Ban quản lý Đường sắt đô thị cho hay.

Cũng theo vị cán bộ này, khi metro số 1 “lỗi hẹn” sẽ gây hiệu ứng domino dẫn đến “gãy” toàn bộ hệ thống các dự án metro, monorail, tramway… của TP. Metro số 1 “gãy” sẽ là hình ảnh xấu trong lĩnh vực đầu tư cho giao thông công cộng không chỉ của TP mà của cả nước.

Vị cán bộ cho biết tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) có số km đi ngầm nhiều hơn với mức độ phức tạp về kỹ thuật cao hơn nên cần phải có sự điều hành quyết liệt, nhanh gọn… “Như thế nếu không có cơ chế TP tự quyết thì hệ thống metro “lỗi hẹn” là khó tránh khỏi” - vị này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm