TP.HCM lên phương án hạn chế ô tô cá nhân

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM gần đây có cải thiện nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường hướng tâm, các trục đường ra vào các cảng hàng không, cảng biển hoặc một số tuyến đường khu vực trung tâm, các khu vực có rào chắn thi công cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Mỹ Thủy... Cạnh đó, kế hoạch giải quyết 37 điểm nóng về ùn tắc giao thông tuy đã ban hành nhưng vẫn trong giai đoạn chuẩn bị và phối hợp nên ùn tắc giao thông chưa cải thiện nhiều.

Trong năm 2017, TP.HCM cũng thực hiện chương trình đột phá, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Trong đó, Sở GTVT được giao tổng cộng 297 nhiệm vụ như nâng cao hiệu quả quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; hoàn thiện hệ thống quy hoạch; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế lưu thông đối với xe cá nhân…

Ông Cường cho biết từ đầu năm đến nay có khoảng 138 triệu người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Số người đi xe buýt tăng so với cùng kỳ do nhiều xe buýt đã được thay mới và luồng tuyến mới được khai thác, phát triển mạnh loại hình xe buýt đưa rước học sinh và sinh viên; tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt... Tuy nhiên, số lượng hành khách công cộng cũng mới chỉ đạt được gần 23% so với kế hoạch năm 2017. Công tác tuyên truyền, vận động và các giải pháp hữu hiệu để thu hút người dân sử dụng xe buýt chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao” - ông Cường thông tin.

Phát triển xe buýt và hạn chế xe cá nhân là "phương châm" được nêu ra từ rất lâu nhưng thật sự, TP.HCM chưa có giải pháp đột phát thực hiện. Vì thế, các biện pháp giải quyết kẹt xe hiện nay được đánh giá chỉ là giải pháp tình thế. Ảnh: Một cảnh ùn ứ thường thấy ở cầu vượt Lăng Cha Cả. Ảnh: MP

Vì vậy, Sở GTVT dự kiến tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp phát triển xe buýt như việc áp dụng hệ thống vé điện tử thông minh tạo thuận tiện cho người đi xe buýt. Cạnh đó, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu phương án đề xuất UBND TP mở hai làn đường ưu tiên cho buýt trên các đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ nhằm đảm bảo xe buýt hoạt động đúng giờ - là tiêu chí quan trọng thu hút người dân đi xe buýt.

Cũng theo Sở GTVT, một trong những trở ngại làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của xe buýt là số lượng xe giao thông cơ giới tăng nhanh, trong đó có một số lượng lớn xe từ các tỉnh vào TP.HCM.

Do vậy, Sở GTVT cũng nghiên cứu hoàn tất đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng nhằm hạn chế xe cá nhân. Một trong các biện pháp hạn chế xe cá nhân đó là việc khoanh vùng, tạo vành đai thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô cá nhân vào khu vực trung tâm TP.HCM.

Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngày 20-4, Sở GTVT phối hợp với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo bàn biện pháp kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Hội Cầu đường cảng TP.HCM (thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM), cho biết nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đánh giá, xu hướng thay thế xe máy bằng các ô tô cá nhân ngày càng lớn. Cộng thêm với việc tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn thì nguy cơ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng là điều thấy rõ.

TP.HCM lên phương án hạn chế ô tô cá nhân ảnh 2
Xu hướng sắm ô tô cá nhân thay thế cho xe máy gây ra nhiều lo ngại về khả năng kẹt xe ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: MP

Tuy nhiên, nhiệm vụ chống ùn tắc giao thông hiện được giao cho ngành giao thông vận tải và lực lượng CSGT chỉ là nhiệm vụ mang tính sự vụ và cải tạo nên sẽ không có khả năng xoay chuyển lớn. Nhiệm vụ chiến lược xoay chuyển lớn này còn thuộc trách nhiệm trong việc quy hoạch, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm