TP.HCM: Lúng túng đấu thầu thu gom rác

Từ ngày 1-5-2017, UBND TP.HCM đã chính thức phân cấp cho các quận, huyện quản lý và thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Chủ trương đấu thầu dịch vụ thu gom rác được xem là giải pháp tốt nhất nâng cao chất lượng dịch vụ này. Tuy nhiên, sau hơn năm tháng, việc đấu thầu thu gom rác vẫn dậm chân tại chỗ.

Giải pháp tiết kiệm ngân sách

Phải công nhận chủ trương của lãnh đạo UBND TP như nêu trên là rất thông thoáng. Theo đó, việc tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: Thu gom từ điểm hẹn về trạm trung chuyển, từ trạm trung chuyển vận chuyển về khu xử lý tập trung theo quy định của Sở TN&MT; vận hành trạm trung chuyển trên địa bàn quận, huyện; ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ nói trên.

Đối với công tác thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển số 1 Tống Văn Trân, quận 11 và trạm trung chuyển số 12 Quang Trung, quận Gò Vấp về các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và công tác vận hành hai trạm trung chuyển này thì UBND quận 11 và UBND quận Gò Vấp ký hợp đồng đặt hàng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (viết tắt Công ty MTĐT) thực hiện cho đến khi UBND TP.HCM triển khai đấu thầu.

Đối với các quận 2, 3, 4, 9, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và các huyện Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, trong thời gian đầu triển khai phân cấp, giữ nguyên đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn nhằm tránh xáo trộn cho đến khi triển khai đấu thầu. Riêng địa bàn quận 1 do tính chất đặc thù nên chưa xem xét triển khai công tác đấu thầu trong giai đoạn này.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty MTĐT: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác. Bởi điều đó tạo sự cạnh tranh công bằng, không phân biệt công tư. Thực tế cho thấy việc tổ chức đấu thầu thu gom, vận chuyển rác đường phố đã phát huy rõ rệt hiệu quả xã hội. Cụ thể, các gói thầu đã giúp tiết kiệm ngân sách về xử lý rác cho TP 20%-30% kinh phí. Chưa kể công tác thu gom, quét dọn rác luôn đảm bảo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và được địa phương đánh giá cao”.

Công nhân thu gom rác tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Còn nhiều trở ngại

Trở ngại đầu tiên là thời gian chờ đơn giá mới quá lâu khiến cho công tác đấu thầu vẫn dậm chân tại chỗ, chưa tiến triển nhiều. Ông Khuất Triều Long, Phó phòng TN&MT quận 3, cho biết: “Hiện quận 3 vẫn áp dụng đơn giá năm 2016. Đối với việc áp dụng đơn giá đấu thầu, quận 3 vẫn đang chờ Sở TN&MT xây dựng đơn giá và ban hành chính thức để có căn cứ triển khai thực hiện. Khi nào UBND TP chính thức ban hành đề án đấu thầu thì quận sẽ căn cứ vào đó để xem xét, đánh giá khả năng đấu thầu của các nhà thầu”.

Tương tự, ở quận 9, vẫn giữ nguyên đơn vị thu gom, vận chuyển rác cho đến khi đấu thầu hoàn tất. Sau khi có hướng dẫn về quy trình đấu thầu, UBND quận 9 sẽ triển khai thực hiện theo quy định. Quận 9 cũng đang chờ hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn năng lực đơn vị tham gia đấu thầu. Một số quận, huyện khác cũng cho biết đang áp dụng đơn giá từ năm 2015 trở về trước, do đó không thể mở thầu…

7.500 - 8.000 tấn là số lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày trên địa bàn TP.HCM, theo Sở TN&MT. Trong đó có hơn 300 tấn chất thải nguy hại, khoảng 16 tấn chất thải y tế... Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày trên địa bàn được xử lý tại Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, huyện Củ Chi và Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh. 

Các địa phương cho rằng cái khó khi tổ chức đấu thầu là chưa thể triển khai đồng bộ từ khâu thu gom đến vận chuyển và xử lý rác. Bởi có đến 60% tuyến đường trên địa bàn TP do lực lượng thu gom rác dân lập hoặc nghiệp đoàn đảm trách. Số ít lực lượng này ký hợp đồng trực tiếp với phường, xã, số còn lại không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Chính trở ngại này đã gây cảm giác ngán ngại ở các quận, huyện khi thực hiện đấu thầu.

Nhiều ý kiến cho rằng gói thầu hiện nay chỉ thực hiện trong ba năm, khó thu hồi vốn khiến doanh nghiệp không mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ. Việc quản lý vẫn còn cứng nhắc theo quy trình được duyệt, định mức và khối lượng công việc… sẽ triệt tiêu tính sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp, bởi nếu làm khác dù chất lượng công nghệ tốt hơn nhưng không đúng quy trình, định mức, khối lượng vẫn không được thanh toán. Bên cạnh đó, một số địa phương vận dụng ưu đãi, chia nhỏ gói thầu, tạo sân chơi không bình đẳng, loại bỏ những doanh nghiệp có máy móc, thiết bị hiện đại… Hình thức này chẳng khác nào sự móc nối thông thầu giữa các đơn vị tham gia đấu thầu, làm tăng giá dịch vụ, gây lãng phí ngân sách.

Phải công bằng, công khai

GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN&MT TP.HCM, cho rằng: “Đấu thầu các dịch vụ công ích là cần thiết. Trong đó, vai trò của các cơ quan chức năng cần phải tính đúng, tính đủ, không để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu phải công bằng, công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và có sự giám sát của các cơ quan chức năng nhằm tránh tối đa hiện tượng tiêu cực”. Ngoài ra, để tạo công bằng và nâng cao hiệu quả, chất lượng thu gom, vận chuyển rác thải thì các đơn vị dự thầu phải có năng lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm