Trạm Cai Lậy vỡ trận: Cái giá của sự nhập nhằng!

Đoạn đường tránh thị trấn (trước đó là thị xã) Cai Lậy dài 12 km được thi công và đưa vào khai thác theo hình thức BOT dựa trên hợp đồng ký ngày 28-8-2014. Bên A là Bộ GTVT, còn bên B là liên doanh hai nhà thầu gồm Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1.

Về vị trí đặt trạm thu phí, hợp đồng quy định trạm này được đặt tại Km 1999+900 m trên ngã ba, đầu đoạn đường tránh dài 12 km đi vòng qua phía Nam thị trấn Cai Lậy. Thời gian thu phí để hoàn vốn và có lãi cho nhà đầu tư là sáu năm năm tháng tính từ khi công trình được đưa vào khai thác.

Nếu tất cả đều làm đúng như vậy thì đã không có chuyện gì xảy ra, bởi nhà đầu tư chỉ thu phí đoạn đường tránh qua Cai Lậy chứ không thu phí các phương tiện đi trên quốc lộ 1 xuyên qua trung tâm thị trấn. Tuy nhiên, vị trí hiện tại của trạm này lại đặt ở Km 1999+300 m trên quốc lộ 1, cách vị trí được xác định theo hợp đồng 600 m về phía Đông thị trấn Cai Lậy, nằm ngay trên quốc lộ 1. Tại sao lại có chuyện này?

Các mốc sự kiện xảy ra sau khi trạm thu phí Cai Lậy hoạt động. Đồ họa: THÙY TRANG

Tìm hiểu sâu mới thấy rằng sau khi dự án tuyến tránh Cai Lậy được Chính phủ đồng ý chủ trương, Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất bổ sung dự án tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn từ xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) qua thị trấn Cai Lậy đến xã Quý Nhị (thị trấn Cai Lậy) dài 26,5 km cũng với hình thức BOT chỉ định thầu. Giá trị của hợp đồng này là 340 tỉ đồng.

Điều đáng nói ở đây là việc giao thầu thi công nâng cấp 26,5 km mặt đường quốc lộ 1 không dựa trên một chủ trương hay kế hoạch nào trước đó. Trong các văn bản của Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT về dự án này cũng như Công văn 1908/TTg-KTN do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 11-11-2013 đồng ý chủ trương thực hiện dự án không hề có một câu, một chữ nào nhắc đến việc nâng cấp đoạn quốc lộ này. Tại cuộc họp báo hôm 17-8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích việc cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ này được thông qua dựa trên cơ sở buổi làm việc giữa bộ trưởng Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, có thể thấy việc nâng cấp 26,5 km mặt đường quốc lộ 1 đi qua thị trấn Cai Lậy đã trở thành cái cớ để các nhà thầu đặt trạm BOT tại vị trí Km 1999+300 m, qua đó làm một cú thu phí “2 trong 1”. Tuy nhiên, dù nhà thầu, lãnh đạo Bộ GTVT có chống chế kiểu gì đi nữa cũng không thể khắc phục được mâu thuẫn cơ bản của vấn đề là hai loại đường khác nhau (một có sẵn, chỉ nâng cấp và một làm mới hoàn toàn) không thể có cùng một mức phí.

Ngay cả có thu cùng một mức phí thì thời hạn thu phí đối với một công trình có tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng (gia cường 26,5 km mặt đường) không thể ngang bằng với thời hạn thu phí của một công trình có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng (xây mới tuyến đường tránh 12 km). Và ngay cả việc thu phí đồng mức nhưng chia ra thời hạn khác nhau cũng vẫn là bất hợp lý bởi sẽ có sự chồng phí hai lần đối với các phương tiện sử dụng quốc lộ 1 chứ không sử dụng tuyến tránh Cai Lậy để lưu thông.

* * *

Từ những phân tích trên, có thể thấy rõ nguồn gốc vấn đề nằm ở sự bất hợp lý của cả mức thu phí lẫn vị trí của trạm thu phí BOT Cai Lậy. Do vậy nếu chỉ giảm mức phí, kéo dài thời gian thu theo phương án của Bộ GTVT sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Theo tôi, điều cần làm ngay là lập hai trạm thu phí, một trên quốc lộ 1 và một ở tuyến tránh phía Nam thị trấn Cai Lậy với mức phí và thời gian thu khác nhau để người dân lựa chọn. Trạm thu phí BOT đặt sai vị trí hiện nay phải dỡ bỏ. Kinh phí xây trạm mới sẽ sử dụng lợi nhuận mà các nhà thầu thu được trên cơ sở xác định thời hạn thu phí hợp lý. Các cán bộ tham mưu sai, chỉ đạo sai phải bị xử lý.

Tỉnh Tiền Giang phản ứng Bộ GTVT

Trả lời PV báo Người Lao Động sáng 18-8, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết xuất phát từ việc kẹt xe các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên UBND tỉnh có đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm đường tránh qua huyện này. “Tỉnh mong muốn có con đường tránh để giảm tải quốc lộ 1 bằng tiền ngân sách nhưng không rõ vì sao sau đó Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT” - vị lãnh đạo này nói.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng khẳng định dự án này là của Bộ GTVT, tỉnh chỉ tham gia giai đoạn giải tỏa mặt bằng, các khâu còn lại từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì không biết. “Đặc biệt, việc Bộ GTVT cho rằng tỉnh Tiền Giang đề nghị đưa thêm hạng mục “Tăng cường mặt đường quốc lộ 1” vào dự án là hoàn toàn không có. Cả dự án này Bộ GTVT và chủ đầu tư thực hiện chứ tỉnh không có đề nghị nào cả” - đại diện tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm